Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Khảo sát kết quả điều trị đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật PHACO, có đặt kính nội nhãn tại bệnh viện trường Đại học Trà Vinh
Nghiên cứu mô tả kết quả điều trị đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật Phaco, có đặt kính nội nhãn tại Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh. Bài báo sử dụng nghiên cứu mô tả hàng loạt ca trên 41 bệnh nhân, 44 mắt được phẫu thuật và tái khám mắt tại Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh.

Đục thủy tinh thể là biểu hiện mất tính trong suốt thường có của thủy tinh thể tự nhiên. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo kết quả điều tra nhanh tiến hành năm 2007 tại Việt Nam, mù do đục thủy tinh thể chiếm 66,1% các nguyên nhân gây mù hai mắt trong dân số trên 50 tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2000, bước vào thế kỉ XXI, hằng năm, khoảng 20 triệu người trên thế giới bị mù do đục thủy tinh thể, 45 triệu người bị giảm thị lực mức độ nặng đòi hỏi phẫu thuật. Theo báo cáo của WHO vào năm 2019, đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây ra gần 1/3 trường hợp suy giảm thị lực trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến 65,2% triệu người. Đây là con số vượt quá khả năng giải quyết của nền y tế các nước, trừ một số nước rất giàu. Ở Việt Nam, tỉ lệ mù lòa trong người dân là 0,59%, trong đó 66% là mù do đục thủy tinh thể. Do đó, đục thủy tinh thể là vấn đề được quan tâm trong các kế hoạch quốc gia phòng chống mù loà và tỉ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể ngày càng tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Bởi vì, điều trị ngoại khoa đục thủy tinh thể mới giải quyết được bệnh và là một trong những vấn đề có tính toàn cầu nhằm hạ thấp tỉ lệ đục thủy tinh thể, giải phóng mù lòa, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của con người. Tuy nhiên, vấn đề phẫu thuật đục thủy tinh thể tại các nước đang phát triển vẫn tồn tại những khó khăn, trở ngại như sự nhận thức của người dân, giá thành phẫu thuật cao và hạn chế tiếp cận với kĩ thuật mới, hiện đại. Vì thế, các kĩ thuật mổ giá thành tiết kiệm đã được đề ra và thử nghiệm cùng với việc đưa vào nhiều loại thủy tinh thể nhân tạo giá thành thấp.


Ngày nay, với sự tiến bộ không ngừng của vi phẫu thuật, phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm (Phaco) là phẫu thuật khá an toàn, ít biến chứng, phục hồi thị lực nhanh chóng và tối đa cho người bệnh. Phương pháp phẫu thuật này được ứng dụng rộng rãi trong cả nước, được bệnh nhân lựa chọn hàng đầu do có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là vết mổ nhỏ. Do đó, độ loạn thị giảm, vết mổ nhanh liền, rút ngắn thời gian hậu phẫu, đem lại thị lực cao cho bệnh nhân ngay từ những ngày đầu sau mổ. Do đó, việc phát hiện, điều trị kịp thời với phương pháp phẫu thuật phù hợp là rất quan trọng và cần thiết. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005, 93% bệnh nhân đục thủy tinh thể điều trị nội trú lựa chọn phương pháp Phaco. Các phẫu thuật viên Việt Nam cũng đưa ra tỉ lệ thành công của phẫu thuật là rất cao. Tuy nhiên, một số biến chứng có thể xảy ra trong và sau quá trình phẫu thuật như rách bao sau, phù giác mạc, lệch thủy tinh nhân tạo. . . Các biến chứng này có thể gây ảnh hưởng tới chức năng thị giác của bệnh nhân và đòi hỏi phải có các biện pháp phòng tránh, phát hiện và điều trị kịp thời.

Trà Vinh là một tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân tộc Khmer chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh, nơi mà chi phí khám chữa bệnh ảnh hưởng lớn đến chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Vì thế, Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh đã bắt đầu triển khai phẫu thuật Phaco năm 2021 nhằm giảm tải một phần với tuyến trên và giảm bớt chi phí cho bệnh nhân. Tuy nhiên, các nghiên cứu về kết quả phẫu thuật Phaco trên bệnh nhân bị đục thủy tinh thể chưa được thực hiện tại các địa bàn trong tỉnh. Vì vậy, nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu mô tả kết quả điều trị đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật Phaco, có đặt kính nội nhãn tại Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh.

Nghiên cứu được thực hiện tại Phòng khám Mắt, Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh từ tháng 01/2021 đến tháng 9/2021 với đối tượng đã được chẩn đoán là đục thủy tinh thể đã phẫu thuật và đến tái khám sau mổ tại Phòng khám Mắt – Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh. Tiêu chuẩn chọn lựa là bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn chẩn đoán nêu trên và đồng ý tham gia nghiên cứu. Tiêu chuẩn loại trừ là bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu ghi nhận, trong số 44 mắt được phẫu thuật, đa số bệnh nhân có thị lực trước mổ thấp, tỉ lệ thị lực từ ĐNT 1 m đến 2/10 là 93,2%, < ĐNT 1 m là 6,8%. Kết quả thị lực sau phẫu thuật một ngày và một tuần cải thiện tốt, ghi nhận thị lực sau mổ 97,7% đạt ≥ 3/10, 1/10 – 2/10 là 2,3%. Thị lực sau mổ một tuần đạt ≥ 3/10 chiếm 97,7%, trong đó, đa số bệnh nhân có thị lực từ 3/10 – 7/10 (68,2%), thị lực > 7/10 (29,5%); 1/10 – 2/10 chiếm 2,3%. Đục thủy tinh thể thường khởi phát ở bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên, do đó, việc khám mắt định kì là điều cần phải cân nhắc. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra cho những bệnh nhân giảm thị lực để được chẩn đoán sớm, theo dõi và điều trị kịp thời nhằm cải thiện thị lực tốt nhất.

lttsuong
Theo Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Trà Vinh, Tập 13, Số Chuyên Đề (2023)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Một số loài có thể phù hợp với tương lai nóng hơn
Một số loài có thể có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tốt hơn so với suy nghĩ của chúng ta trước đây. Đó là bởi vì những loài này đã thay đổi rất ít kể từ thời kỳ ấm áp cuối cùng trên Trái đất.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->