Thông tin [ Đăng ngày (04/05/2013) ]
Việt Nam sáng chế thành công máy bay không người lái
Sáng nay 3/5/2013, tại bãi thử nghiệm Viện Công nghệ không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao Viễn thông-Tin học (HTI) - km27 Đại Lộ Thăng Long Hà Nội, nhóm thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học” đã tiến hành thành công bay thử nghiệm 3 mẫu máy bay không người lái trong số 5 mẫu máy bay chuyên dụng khác đã hoàn thiện tại Viện Công nghệ Không gian.

Cả 5 loại máy bay trên đều được thiết kế chế độ điều khiển bay tự động theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Máy bay được trang bị camera máy ảnh tác nghiệp trong cả ban ngày và ban đêm cùng các trang bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác.

Đối với loại AV.UAV.S3, AV.UAV.S4 có thể mở rộng tầm bay xa hơn khi sử dụng liên lạc vệ tinh dẫn đường hoặc các trạm chuyển tiếp mặt đất.

Các máy bay này có thể cất cánh từ đường băng, từ nóc ôtô, trên bệ phóng di chuyển hoặc phi bằng tay.

Chủ nhiệm đề tài, tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng cho biết đề tài đã được đặt nền móng từ năm 2008 bởi nguyên Thứ trưởng Bộ Công An, Nguyễn Văn Hưởng và được sự ủng hộ của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin  và Truyền thông, giáo sư-tiến sỹ khoa học Đỗ Trung Tá trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng chính sách khoa học công nghệ quốc gia đồng thời được Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giáo sư Châu Văn Minh sát sao chỉ đạo nhóm đề tài suốt quá trình thực hiện.

“Với tinh thần nghiên cứu, lao động khoa học nghiêm túc không ngừng nghỉ suốt 4 năm của các nhà khoa học, các kỹ sư và công nhân kỹ thuật trong nhóm đề tài và triển khai đề tài, ngày hôm nay kết quả bay thử nghiệm và kết quả đo kiểm tra kỹ thuật diễn ra từ ngày 27/4/2013 theo giấy phép do Bộ quốc phòng cấp, đến nay, các tính năng thiết kế đều đạt tiêu chuẩn.

Sự kiện bay thử nghiệm thành công khẳng định các nhà khoa học, các kỹ sư thuộc Viện Công nghệ không gian – HTI thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chính thức ghi danh mình là những người Việt Nam đầu tiên tự nghiên cứu chế tạo thành công máy bay không người lái mang thương hiệu Việt Nam.hoàn toàn bằng sự sáng tạo của người Việt Nam,” tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, nhóm đề tài tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các loại máy bay mới có trần bay cao hơn, tốc độ bay lớn hơn và mở rộng tầm bay trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài, tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng nói thêm.

Ông cũng cho biết, ngay sau khi chương trình bay thử nghiệm, Viện Công nghệ không gian sẽ hoàn thiện kỹ thuật và đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và đáp ứng nhu cầu chuyên dụng trong nước.

Tính năng kỹ thuật cơ bản:

- AV.UAV.MS1: Chiều dài 1,0m; sải cánh 1,2m; khối lượng tối đa 4kg; tải có ích 1kg; bán kính hoạt động 2km; trần bay 200m; tốc độ lớn nhất 70 km/h; thời gian hoạt động trên không 1,0h; được trang bị camera chuyên dụng, cự ly truyền 2km.

- AV.UAV.S1: Chiều dài 1,80m; sải cánh 2,70m; khối lượng tối đa 12,0kg; khối lượng tải có ích 1,5kg; bán kính hoạt động 15km; trần bay 3000m; động cơ 45 cm3; tốc độ lớn nhất 120km/h; thời gian hoạt động trên không 2h; đường cất hạ cánh 50m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; truyền ảnh online từ camera khoảng cách 15km.

- AV.UAV.S2: Chiều dài 2,60m; sải cánh 3,20m; khối lượng tối đa 45kg; tải có ích 15kg; động cơ 80cm3; tốc độ lớn nhất 150km/h; trần bay 3000m; đường cất, hạ cánh 200m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; thời gian hoạt động trên không 3h.

- AV.UAV.S3: Chiều dài 3m; sải cánh 3,4m; khối lượng tối đa 115kg; khối lượng tải có ích 35kg; bán kính hoạt động 70km; trần bay 3000m; động cơ 350 cm3; tốc độ nhanh nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không tối đa 5h.

- AV.UAV.S4: Chiều dài 4,20m; sải cánh 5,0m; khối lượng tối đa 170kg; khối lượng tải có ích 50kg; bán kính hoạt động 100km; trần bay 3000m; động cơ 400 cm3; tốc độ lớn nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không 6h; bay cả ban ngày và ban đêm.

Theo vietnamplus.vn (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Công nghệ mới  
 
Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học học phần “Cad trong kỹ thuật” theo dự án cho sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Vinh
Trong xu hướng hội nhập và phát triển của nền giáo dục nói chung và của đào tạo bậc đại học nói riêng, việc liên tục đổi mới các phương pháp giảng dạy để mang lại hiệu quả tốt nhất là xu hướng tất yếu. Đối với chương trình đào tạo của bậc đại học, các học phần dạy học dự án là các học phần trọng điểm được chú ý đầu tư cả về đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất. Với mục đích hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo và đa dạng hóa cách thức triển khai học phần dạy học dự án CAD trong kỹ thuật theo đặc thù của ngành đào tạo Công nghệ Kỹ thuật ô tô, bài báo đã đánh giá các nội dung của học phần và đưa ra một số biện pháp cụ thể nhằm thích nghi với tính chất đặc thù của lĩnh vực đào tạo Kỹ thuật ô tô và nâng cao chất lượng đào tạo, bao gồm: Nâng cao nhận thức cho giảng viên và sinh viên về dạy học dự án; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giảng viên; Đa dạng hóa phương thức tổ chức dạy học; Đảm bảo các điều kiện hỗ trợ hoạt động giảng dạy.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->