Ảnh minh họa
Tác giả đã nghiên cứu mô hình thực nghiệm tại khu tưới tiết kiệm nước tại Đại học Hồ Hải, thành phố Nam Kinh, Trung Quốc từ tháng 2 đến tháng 7 năm 2007. Khu vực này thuộc phía Bắc vùng khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, có 4 mùa rõ ràng. Nhiệt độ trung bình năm là 16oC; thời gian nắng từ 6h30 tới 17h30; số ngày mưa hàng năm khoảng 117 ngày, tổng lượng mưa năm trung bình là 1.106mm; độ ẩm không khí trung bình lớn nhất 81%. Đất có cấu trúc thuộc loại đất chặt và nặng, màu hơi vàng và sáng. Khi đất khô, trên bề mặt đất xuất hiện nhiều vết nứt. Thiết kế và xây dựng mô hình thực nghiệm trên cơ sở đặc điểm thời tiết, loại đất, loại cây trồng, thiết bị và phương pháp tưới, mô hình thực nghiệm được thiết kế và thiết lập với 3 chu kỳ và 3 mức tưới khác nhau. Do vậy, có 9 lô thực nghiệm và 1 lô dùng để so sánh đối chứng. Đối với lô đối chứng, lượng nước tưới được tính toán và tưới theo phương pháp tưới cổ truyền với chu kỳ 4 ngày. Lô thí nghiệm có kích thước với chiều dài 6,0m, chiều rộng 1,0m; kích thước lối đi giữa 2 luống có chiều rộng 0,3m và độ sâu 0,2m tính từ mặt luống. Bề mặt luống được thiết lập với cùng một độ cao. Đường kính ống chính 25mm, ống nhánh 15mm. Mỗi ống nhánh có 16 vòi nhỏ giọt được đặt sát với gốc cây, khoảng cách giữa các vòi là 0,4m. Sử dụng giống cà chua Beidousan-F1 cho mô hình thực nghiệm. Thời gian gieo vào ngày 25-2-2007, trồng vào lô vào ngày 27-3-2007. Trong mỗi lô có 2 hàng cà chua với 16 cây/hàng và được chia thành 3 phần; mỗi phần chọn 3 cây để quan trắc và đo đạc. Tính toán nhu cầu nước tưới cho cây cà chua theo phương pháp Penman từ kết quả đo đạc bốc thoát hơi nước hàng ngày. Thiết lập hệ số nhu cầu nước (Tg) theo từng giai đoạn sinh trưởng và hình thái bên ngoài của cây trồng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, quá trình phát triển của cây cà chua và thời gian thu hoạch sản phẩm ở 9 lô thực nghiệm tưới bằng kỹ thuật tưới nhỏ giọt nhanh và tập trung hơn so với lô đối chứng được tưới bằng kỹ thuật tưới cổ truyền. Sản lượng cà chua trong các lô có mức nước tưới thấp và trung bình đạt cao hơn các lô có mức nước tưới cao. Sản lượng tại các lô có chu kỳ tưới trung bình và ngắn ngày kết hợp với mức nước tưới thấp đạt cao hơn các lô có chu kỳ tưới dài ngày. Các lô có mức nước tưới thấp hơn sẽ cho hiệu quả sử dụng nước cao hơn và ngược lại. Mức nước tưới trung bình và thấp kết hợp với chu kỳ tưới ngắn ngày mang lại sản lượng cây trồng và hiệu quả sử dụng nước cao. Mặc dù mức nước tưới thấp kết hợp với chu kỳ tưới dài ngày có hiệu quả sử dụng nước cao nhưng sản lượng cây trồng thấp và cây cà chua luôn bị thiếu nước trong quá trình phát triển. Cà chua ở lô 5 với mức nước tưới trung bình và chu kỳ tưới 3 ngày phát triển tốt và đạt sản lượng cao nhất. Cà chua ở lô 10 dùng kỹ thuật tưới cổ truyền có sản lượng và hiệu quả sử dụng nước thấp nhất. Kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm rất nhiều nước tưới so với kỹ thuật tưới cổ truyền, đồng thời đảm bảo sự phân bố độ ẩm trong lớp đất canh tác đều nhau (trong khu vực hoạt động của bộ rễ), tạo điều kiện tốt về không khí, nhiệt độ, độ ẩm giúp cây trồng tăng khả năng trao đổi chất và quang hợp. Không làm xói mòn hoặc đóng váng trên bề mặt đất, không nén chặt hoặc phá vỡ cấu trúc đất. Đây thật sự là ưu điểm của kỹ thuật tưới nhỏ giọt so với kỹ thuật tưới cổ truyền. Chế độ tưới nhỏ giọt cho cây cà chua được thiết lập trên cơ sở kết quả phân tích thực nghiệm và thiết kế tưới đối với mức nước tưới trung bình và chu kỳ tưới 3 ngày. Kết quả này rất thích hợp cho cây cà chua phát triển và đạt năng suất cao, hơn nữa nó sẽ được sử dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả. |