Nghiên cứu [ Đăng ngày (28/04/2025) ]
Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính kháng khuẩn của thân và lá cây mướp đắng (momordica charantia l.)
Tiềm năng kháng khuẩn của Khổ qua (Momordica charantia L)

Khổ qua (Momordica charantia L.) thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae), phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Từ lâu, khổ qua đã được sử dụng trong y học dân gian cho nhiều mục đích trị liệu. Các nghiên cứu hóa học thực vật đã xác định sự hiện diện của glycoside, saponin, alkaloid, triterpene, protein và steroid, được xem là các hợp chất hoạt tính sinh học. Đặc biệt, khổ qua giàu các hợp chất phenolic như axit gallic, axit genistic, catechin, epicatechin, axit caffeic, axit chlorogenic, axit p-coumaric và axit ferulic, cùng với saponin, peptide và alkaloid. Những hợp chất này hứa hẹn nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn đang trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản do lạm dụng kháng sinh, dẫn đến sự đột biến và thích nghi của vi khuẩn. Phytopharmaco, trong đó có khổ qua, có thể là một giải pháp tiềm năng nhờ đặc tính kháng khuẩn của nó.

Nghiên cứu này nhằm mục đích bước đầu khảo sát hoạt tính kháng khuẩn của các cao chiết từ thân và lá cây Mướp đắng, lựa chọn cao chiết có hoạt tính tốt nhất để khảo sát thành phần hóa học nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa hoạt tính sinh học và cấu trúc hóa học của các hợp chất có trong cây Mướp đắng (Momordica charantia L.). Kết quả cho thấy cao chiết ethyl acetate thể hiện hiệu quả kháng khuẩn tốt theo phương pháp khuếch tán đĩa thạch trên các chủng vi khuẩn là tác nhân gây bệnh chính cho các loài thủy sản. Cao chiết ethyl acetate đều kháng lại 03 dòng vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Aeromonas dhakensis, và Vibrio parahaemolyticus với giá trị MIC ≤ 0,3125 mg/mL. Kết quả bước đầu khảo sát thành phần hóa học cho thấy, từ cao phân đoạn ethyl acetate của thân và lá cây Mướp đắng, 03 hợp chất đã được phân lập và nhận danh là 3β,7β,25-trihydroxycucurbita-5, (23E)-dien-19-al (1), protocatechuic acid (2), và afzelin (3). Cấu trúc hóa học của các hợp chất này được xác định bằng phương pháp phổ NMR và so sánh với các tài liệu đã công bố. Đồng thời, hợp chất (1) và (3) phân lập được cũng cho hiệu quả kháng khuẩn tốt đối với khuẩn Aeromonas hydrophila. Những kết quả này cho thấy thân và lá cây Mướp đắng là một dược liệu tiềm năng chứa các hợp chất thể hiện hoạt tính kháng khuẩn tốt.

nttvy
Theo Tạp chí phân tích Hóa, Lý và Sinh học - Tập 29, số 03/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Thực trạng theo dõi huyết áp tại nhà ở bệnh nhân tăng huyết áp
Theo dõi huyết áp tại nhà ngày càng được khuyến cáo rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, số lượng nghiên cứu về theo dõi huyết áp tại nhà ở bệnh nhân tăng huyết áp còn hạn chế. Vì thế, các tác giả Mai Thanh Hải, Võ Nguyên Trung, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Thương thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh Cơ sở 2 và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ và đặc điểm theo dõi huyết áp tại nhà ở bệnh nhân tăng huyết áp.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->