Đánh giá và theo dõi vết mổ là một khâu quan trọng trong chăm sóc hậu phẫu, đặc biệt trong lĩnh vực phẫu thuật chỉnh hình chi dưới – một loại phẫu thuật có tỷ lệ thực hiện cao và nguy cơ biến chứng lớn như nhiễm trùng, chậm lành hay biến dạng vết thương. Các tác giả Trịnh Thị Thơm, Lê Thị Hồng Nhung, Lê Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Thảo Ngân, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Mỹ, Nguyễn Trần Mai Thi, Phạm Thị Hoa - Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Quân y 175, TP. HCM và Nguyễn Thị Phương Lan - Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với mục tiêu: Mô tả đặc điểm vết mổ sau phẫu thuật chỉnh hình chi dưới bằng công cụ SWAT, xác định điểm số SWAT, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) và các yếu tố liên quan.
|
Phẫu thuật chỉnh hình chi dưới chiếm tỉ lệ lớn trong các ca phẫu thuật với tần suất 500/100.000 dân. Các phẫu thuật chi dưới bao gồm thay khớp gối, thay khớp háng và cố định xương gãy, thường có nguy cơ biến chứng cao như nhiễm trùng, chậm lành và biến dạng vết thương. Đánh giá và quản lý vết mổ là thành phần thiết yếu trong chăm sóc hậu phẫu, đặc biệt là trong phẫu thuật chỉnh hình. Do đó, việc đánh giá vết thương hiệu quả là rất quan trọng để phát hiện sớm các biến chứng, can thiệp kịp thời và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh (NB).
Tại Việt Nam, việc đánh giá vết mổ thường dựa vào quan sát chủ quan, thiếu các công cụ chuẩn hóa, dẫn đến nguy cơ thiếu nhất quán và bỏ sót các biến chứng. Trong khi đó, việc sử dụng các công cụ đánh giá chuẩn hóa có thể nâng cao độ chính xác từ 35% lên đến 71%, góp phần cải thiện tổng thể chất lượng chăm sóc NB. Hiện nay, một số công cụ đánh giá vết thương đã được phát triển như NNIS (The National Nosocomical Infection Surveillance System), Southampton và ASEPSIS (tên viết tắt của 7 thông số đánh giá vết thương bao gồm: A-điều trị bổ sung, S-dịch tiết huyết thanh, E-ban đỏ, P-dịch mủ, S-tách mô sâu, I-phân lập vi khuẩn, S-thời gian nằm viện trên 14 ngày), tuy nhiên, các công cụ này chỉ tập trung vào một số loại vết mổ nhất định và chưa mô tả đầy đủ các đặc điểm vết mổ cũng như các yếu tố của NB ảnh hưởng đến quá trình lành thương.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả trên 261 vết mổ chỉnh hình chi dưới tại bệnh viện Quân Y 175 từ tháng 11/2023 tới tháng 5/2024. Vết mổ được đánh giá tại 3 thời điểm lần đầu thay băng, ngày thứ 5 sau mổ và ngày ra viện.
Kết quả cho thấy: Có 63,2% người bệnh là nam giới, tuổi trung bình 53,8 ± 17,8. Lần đầu thay băng 85,8% vết mổ có dịch máu; 65,6% sưng nề; 62,1% đau trung bình. Lần thứ hai, 77% băng khô và 51% sưng nề. Ngày ra viện, 98,2% vết mổ khô. Các đặc điểm vết mổ thay đổi có ý nghĩa thống kê qua ba lần thay băng (p <0,05), ngoại trừ mùi vết mổ. Điểm SWAT qua 3 lần đánh giá lần lượt là 11,6±2,3; 9,3±3,1 và 8,2±2,6. Tỷ lệ NKVM là 3,1%. Các yếu tố liên quan: phẫu thuật cấp cứu, vị trí phẫu thuật (bàn chân - mắt cá) và các đặc điểm vết mổ như da tấy đỏ, mép vết mổ, số lượng và tính chất dịch.
Kết luận: Quá trình lành vết mổ được phản ánh rõ nét qua sự giảm dần của điểm SWAT ở cả ba thời điểm đánh giá. Tỷ lệ NKVM ở mức thấp (3,1%), cho thấy hiệu quả của công tác chăm sóc hậu phẫu. Nghiên cứu đồng thời xác định một số yếu tố nguy cơ liên quan đến NKVM, từ đó đề xuất việc ứng dụng công cụ SWAT vào thực hành lâm sàng như một giải pháp giúp nâng cao tính khách quan, nhất quán và hiệu quả trong theo dõi và chăm sóc vết mổ chỉnh hình chi dưới.
|