Ảnh minh họa
Nghiên cứu hồi cứu được tiến hành trên 74 bệnh nhân được chẩn đoán xác định ung thư phổi không tế bào nhỏ tại bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2023 đến tháng 8 năm 2024.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm tỷ lệ cao hơn ở nhóm bệnh nhân trên 65 tuổi (41,9%), với tuổi trung bình là 61,8 ± 9,4. Đối tượng phần lớn là nam giới (66,2%). Các bệnh nhân này thường có u ở phổi phải (62,2%), trong đó đa số được phát hiện tại thùy trên phổi phải (32,4%). Kích thước khối u chủ yếu là ≤ 3cm (56,7%) và chủng loại mô bệnh học thường gặp là loại biểu mô tuyến (63,5%). Đặc biệt, nghiên cứu ghi nhận có 21/74 bệnh nhân (28,4%) bị di căn hạch, trong đó có 18,9% thuộc chặng N1 và 9,5% thuộc chặng N2.
Tình trạng di căn hạch biểu hiện sự dao động rõ rệt theo độ tuổi và kích thước khối u. Cụ thể, tỷ lệ di căn hạch ở nhóm bệnh nhân từ 55-65 tuổi cao hơn đáng kể so với nhóm dưới 55 tuổi (28,6%) và nhóm trên 65 tuổi (12,9%) với giá trị p < 0,05. Ngoài ra, tỷ lệ di căn hạch còn tăng lên khi kích thước u lớn hơn, với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,019). Tuy nhiên, tình trạng di căn hạch không có sự khác biệt có ý nghĩa về giới tính, vị trí u, mức độ xâm lấn màng phổi và loại mô bệnh học. Tỷ lệ di căn hạch tổng quát là 28,4%, trong đó di căn hạch N1 chiếm 18,9% và N2 chiếm 9,5%, và có sự liên quan rõ rệt với các yếu tố như tuổi tác và kích thước khối u nguyên phát. |