Ảnh minh họa
Nghiên cứu thiết kế tiền cứu và cắt ngang, tiến hành phân tích 120 trường hợp viêm phổi cộng đồng có chỉ định nhập viện từ tháng 9 năm 2023 đến tháng 7 năm 2024. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu dịch khí quản (NTA - nasal tracheo aspiration) để thực hiện PCR nhằm xác định các tác nhân gây nhiễm trùng hô hấp dưới.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, trong số 120 trường hợp được ghi nhận, tuổi thai chủ yếu là trên 32 tuần, chiếm 67,5%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trung bình là 18,3% và suy dinh dưỡng nặng là 19,2%. Các bệnh nền thường gặp ở nhóm trẻ này bao gồm loạn sản phế quản phổi (20%), trào ngược dạ dày thực quản (17,1%), và hen phế quản (11,4%). Đặc biệt, có tới 52,5% số trẻ có tiền căn từng nhập viện do viêm phổi.
Về mặt vi sinh, tác nhân vi khuẩn được ghi nhận trên cấy NTA cho thấy Streptococcus pneumoniae là tác nhân chiếm tỷ lệ cao nhất (26,5%), theo sau là Escherichia coli (17,6%) đều mang gen kháng ESBL và AmpC. Kết quả RT-PCR cho thấy Streptococcus pneumoniae (37,6%) và Escherichia coli (36,8%) cũng như Klebsiella pneumoniae và Acinetobacter spp. đều chiếm tỷ lệ đáng kể. Về các tác nhân siêu vi, CMV (21,4%) và RSV (19,7%) có tỉ lệ cao nhất, tiếp theo là Rhinovirus (16,2%) và Adenovirus (10,3%). Tình hình ghi nhận cho thấy sự hiện diện cao của Streptococcus pneumoniae, E. coli, K. pneumoniae, và Acinetobacter spp., trong khi các tác nhân siêu vi chiếm ưu thế với CMV, RSV và rhinovirus. Nghiên cứu này góp phần cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về tình trạng viêm phổi ở trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm có tiền căn sinh non. |