Hình minh họa. Nguồn: Internet
Bệnh bại huyết do vi khuẩn Riemerella anatipestifer (RA) gây ra ở các loài vịt, ngỗng, gà tây, chim nuôi và chim hoang dã lần đầu tiên được phát hiện bởi Riemer vào năm 1904. Bệnh có nhiều tên gọi khác nhau như: bệnh nhiễmtrùng huyết ở vịt, hội chứng nhiễm trùng huyết ở thủy cầm, viêm thanh dịch truyền nhiễm. Lứa tuổi cảm nhiễm của bệnh chủ yếu là thủy cầm từ 1 đến 8 tuần tuổi. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gặp nhất là thời điểm chuyểnmùa hoặc khi thời tiết thay đổi. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ thủy cầm ốm sang thủy cầm khỏe hoặc gián tiếp qua thức ăn nước uống, dụng cụ chăn nuôi, người chăn nuôi. Bệnh thường xảy ra ở dạng nhiễm trùng huyết cấp tính hoặc mạn tính với các đặc điểm như viêm ngoại tâm mạc có fibrin, viêm bề mặt gan, viêm túi khí, viêm vòi trứng có caseinvà viêm màng não. Tỷ lệ mắc bệnh cao từ 20 - 80%, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 5 - 20%. Bệnh gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể cho ngành chăn nuôi vịt trên toàn thế giới do tỷ lệ chết cao và giảm tăng trọng.
Ở Việt Nam, bệnh bại huyết cũng đã được ghi nhận. RA là thành viên của họ Flavobacteriaceae,vi khuẩn gram âm, không di động, không bào tử; phát triển tốt trong môi trườngthạch sô cô la, thạch máu và tryptic soy agar (TSA). Vi khuẩn phát triển tối ưu sau 18-24 giờ khi ủ ở 37oC với 5% CO2. Các khuẩn lạc trên môi trường thạch máu có đường kính 1 - 2 mm, lồi, tròn, trong suốt, lấp lánh. Gen 16S rRNAđã được báo cáo là gen xác định vi khuẩn RA gây bệnh bại huyết trên vịt. RA có 21 serotype (kiểu huyết thanh) đã biết nhưng không có bảo hộ chéo giữa các serotype. Có thể đồng nhiễm hai hay nhiều serotype trong cùng một trại, lứa ấp. Hiện tại, một số loại vacxin vô hoạt chứa các chủng gây bệnh thuộc serotype 1, 2 và 5 đã được sử dụng trên thị trường. Tuy nhiên, do không có bảo hộ chéo giữa các serotype của các chủng RA khác nhau, nên các nghiên cứu về đặc tính sinh học của các chủng RA khác nhau phân lập từ thực địa tạo chủng gốc để sản xuất vacxin phòng bệnh là rất cần thiết. Việc xác định serotype huyết thanh của chủngRA lưu hành giúp thu thập thông tin dịch tễ học, hỗ trợ trong lựa chọn chủng sản xuất vacxin, lựa chọn loại vacxin nhằm nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát nhiễm trùng RA.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá một số đặc tính sinh học của chủng Riemerella anatipestifer (chủng HAN-RA2020) gây bệnh bại huyết, phân lập từ vịt bệnh tại Hưng Yên năm 2020. Vi khuẩn RA chủng HAN-RA2020 phát triển tốt trên môi trường thạch sô cô la, mang đầy đủ các đặc trưng của vi khuẩn RA về tính chất nhân lên, đặc tính sinh hóa. Chủng HAN-RA2020 thuộc serotype 6, có mức tương đồng cao (100%) với các chủng vi khuẩn RA được báo cáo ở Trung Quốc các năm 2015, 2017, 2019. Chủng HAN-RA2020 mẫn cảm với tetracyclin, doxycyclin, enrofloxacin; kháng với ampicillin, oxytetracyclin, norfloxacin, gentamicin, colistin sulfate. Kết quả kiểm tra độc lực cho thấy chỉ số MLD của chủng HAN-RA2020 là 109CFU/ml, gây bại huyết trên vịt với triệu chứng bệnh tích điển hình. Đồng thời, chủng HAN-RA2020 có tính sinh miễn dịch với tỷ lệ bảo hộ cao (100%), là đặc tính quan trọng cho việc lựa chọn chủng trong nghiên cứu sản xuất vacxin trong tương lai. |