Nghiên cứu [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Ảnh hưởng của việc bổ sung hỗn hợp chiết từ các loại thảo dược chứa 50% cỏ xước đến các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa máu, số lương E.Coli, Salmonella trong phân và tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy hô hấp ở heo thịt
Thảo dược và các hợp chất chiết từ thảo dược đã được sử dụng để phòng và điều trị bệnh cho người và động vật từ rất lâu. Thảo dược và chiết xuất từ chúng thường chứa các chất hoặc hợp chất hóa học có tác dụng tốt trong phòng và điều trị bệnh cho người và động vật như saponin, alkaloid (betaine, achyranthine), glycoside, polyphenol, flavonoid, tannin, vitamin (C, B1, B2 và B6), steroid (stigmasterol), triterpenoids (acid oleanolic và glucoside) và các acid amin; β-sitosterol, triterpenoid saponin, 1-triacontanol, và acid salicylic. Thảo dược thường được sử dụng trực tiếp từ các bộ phận khác nhau của các loại cây (lá, thân, rễ, quả, hoa,…) hoặc chất chiết bằng các dung môi khác nhau. Các kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy một số loại thảo dược có tác dụng tăng lượng ăn vào, cải thiện tiêu hóa thức ăn, có lợi cho hệ vi sinh vật đường ruột, cải thiện hệ miễn dịch, nâng cao sức kháng bệnh ở cả người và động vật. Khi được bổ sung vào thức ăn cho heo các loại thảo dược có tác dụng tốt như cải thiện tăng trọng, tăng lượng ăn vào, cải thiện chất lượng thịt và nâng cao sức kháng bệnh….

Cỏ xước (Achyranthes aspera Linn.), Dã quỳ (Tithonia diversifolia), Hoàn ngọc (Pseuderanthemum palatiferum (Wall.) Radlk), Đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms) có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, tăng cảm giác thèm ăn, giải độc, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kháng viêm, tẩy ký sinh trùng, điều trị côn trùng hoặc răn cắn, điều trị tiêu chảy, kháng nấm và kháng khuẩn. Từ những lý do trên mà chất chiết từ thảo dược được xem như là một trong những nguồn thay thế kháng sinh lý tưởng vì mức độ an toàn, không hoặc ít phản ứng phụ, có nhiều tác dụng khác nhau và ít có nguy cơ gây ra sự kháng thuốc.

Tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn gây bệnh thường dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nhau như kéo dài thời gian và chi phí điều trị, và làm tăng nguy cơ tử vong. Trong những năm gần đây, mục tiêu của các nghiên cứu về thảo dược là tìm kiếm các minh chứng khoa học cho tác dụng dược lý của chúng.

Các nghiên cứu về thảo dược đang có xu hướng tập trung vào các tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa và ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh lý sinh hóa máu ở người và động vật. Trong khi, điều kiện tự nhiên, khí hậu ở Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng rất thuận lợi để những cây dược liệu phát triển; rất nhiều cây dược liệu đã được người dân sử dụng phổ biến trong phòng và điều trị bệnh cho cả người và động vật. Nhưng cho đến nay, nghiên cứu tác dụng của các cây dược liệu Cỏ xước, Dã quỳ, Hoàn ngọc, và Đinh lăng đến sức khỏe động vật vẫn còn rất hạn chế.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của hỗn hợp thảo dược có chứa 50% Cỏ xước được bổ sung vào thức ăn đến chỉ tiêu sinh lý sinh hóa máu, sức kháng bệnh của heo từ cai sữa đến xuất chuồng. Kết quả của nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc sử dụng một hỗn hợp thảo dược để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi heo.

1. Nội dung nghiên cứu

Nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá ảnh hưởng của hỗn hợp bột thảo dược gồm Cỏ xước (50%), Dã quỳ (20%), Hoàn ngọc (20%), Đinh lăng (10%) đến sinh lý, sinh hóa máu và sức kháng bệnh của heo thịt.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp chiết và tạo hỗn hợp thảo dược

Các bước chiết xuất và dung môi sử dụng được thực hiện theo mô tả của Wendakoon và cs. Cụ thể, các loại thảo dược gồm Cỏ xước (đã được loại bỏ phần gốc), Dã quỳ (sử dụng phần lá và ngọn non), Đinh lăng (sử dụng lá, cọng lá và ngọn non) và Hoàn ngọc (đã được loại bỏ phần gốc) được thu hái tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Các loại thảo dược sau khi thu hái được sấy khô bằng tủ sấy Memmert-UN75 (Memmert, Đức) ở nhiệt độ 650C, trong 24 giờ sau đó được xay nhỏ và bảo quản trong túi nilon hút chân không. Dược liệu được chiết xuất bằng dung môi (ethanol) nồng độ 90%. Tỷ lệ giữa mẫu thảo dược và dung môi là 10 g thảo dược trong 100 mL dung môi. Thảo dược được ngâm trong dung môi ở 650C trong hệ thống water bath HD-501 (EMIN, Singapore), có lắc với tốc độ 30 v/phút trong 4 giờ sau đó được lọc loại bỏ phần xác thu dịch lọc và đem đi đuổi hết dung môi ở nhiệt độ 650C. Dạng dung dịch đậm đặc của chất chiết từ thảo dược được trộn với cơ chất theo tỷ lệ 2:1 w/w; sau đó hỗn hợp sẽ được sấy ở nhiệt độ 650C cho đến khi thành dạng bột khô hoàn toàn. Để làm cơ sở phối trộn thành hỗn hợp. Bột dược liệu từ các cây thảo dược sẽ được trộn thành hỗn hợp theo tỷ lệ: Cỏ xước 50%, Dã quỳ 20%, Hoàn ngọc 20%, và Đinh lăng 10%.

2.2. Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được tiến hành trên 45 con heo sau cai sữa giống Duroc x (Landrace x Yorkshire) có khối lượng trung bình ± độ lệch chuẩn là 11,3 ± 1,15 kg. Heo sau cai sữa được mua về trại thí nghiệm thuộc Trung tâm Đào tạo Thực hành nghề Chăn nuôi Thú y thuộc khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học nông Lâm, Đại học Huế nuôi thích nghi 7 ngày trước khi bắt đầu thí nghiệm. Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức bao gồm Đối chứng âm (NC): Thức ăn không được bổ sung dược liệu, Đối chứng dương (PC): Thức ăn được bổ sung kháng sinh colistin (1 g/1kg thức ăn, tương đương với 2.000.000 IU), cho heo ăn từ khi bắt đầu thí nghiệm cho đến 25kg (hoặc từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi), sau đó sẽ không bổ sung tiếp và sử dụng khẩu phần như nghiệm thức NC. Nghiệm thức M-0,5: Thức ăn được bổ sung hỗn hợp chiết từ thảo dược ở mức 0,5 g/kg thức ăn; nghiệm thức M-1,0: thức ăn được bổ sung hỗn hợp chiết từ thảo dược ở mức 1,0 g/kg thức ăn; nghiệm thức M-1,5: thức ăn được bổ sung hỗn hợp từ thảo dược ở mức 1,5 g/kg thức ăn.

Khẩu phần cơ sở được phối trộn từ các nguồn nguyên liệu có sẵn (bột ngô, cám gạo trích ly, bột sắn, khô đậu nành, bột cá, và premix - khoáng) theo tỷ lệ thích hợp để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của heo theo các giai đoạn (theo tiêu chuẩn sử dụng heo giống ngoại), 4 khẩu phần riêng biệt phù hợp với 4 giai đoạn phát triển trên heo thịt (10 - 20 kg, 20 - 50 kg, 50 - 80 kg, 80 - 90 kg).

Các khẩu phần được lấy mẫu và phân tích hàm lượng chất khô, protein thô, xơ thô, lipid thô tại phòng thí nghiệm khoa Chăn nuôi - Thú y, trường Đại học Nông Lâm Huế.

2.3. Phân tích các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa máu

Mẫu máu của heo được lấy vào buổi sáng trước khi xuất chuồng. Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch cổ của 1 con heo trong mỗi ô chuồng (3 con mỗi lô thí nghiệm) sau đó cho vào ống có chứa chất chống đông EDTA (Medcomtech, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam). Các chỉ tiêu sinh lý được phân tích tại bệnh viện thú y Fuchu Pet, thành phố Huế bằng máy Hemato Analyzer (Mindray, Trung Quốc); các chỉ tiêu sinh hóa máu được phân tích bằng hệ thống Sinh hóa - miễn dịch Cobas 6000 (Roche, Thụy Sỹ) tại trung tâm Y khoa Phong Châu - Thành phố Huế.

2.4. Xác định mật độ tế bào vi khuẩn E. coli và Salmonella trong mẫu phân

Mẫu phân của một con heo trong mỗi ô chuồng (những con heo lấy mẫu được đánh dấu và lấy cố định ở tất cả các lần lấy mẫu) được lấy vào các ngày 0 (N0, ngày trước khi bắt đầu cho heo ăn thức ăn bổ sung dược liệu), ngày thứ 14 (N14), 28 (N28), 48 (N48) và trước khi xuất chuồng (FN). Mẫu phân được lấy từ trong trực tràng của heo bằng cách sử dụng tay kích thích vào trực tràng để heo đi phân ra và hứng ngay vào ống falcon. Mẫu sẽ được xử lý bằng cách cân 1 g mẫu pha vào 9 mL nước muối sinh lý, sau đó thực hiện dãy pha loãng theo cơ số 10 (đến 10-5), mỗi nồng độ được cấy trải trên 3 đĩa môi trường thạch Eosin methylen blue (EMB; Conda Laboratories, S.A., Tây Ban Nha), mỗi đĩa cấy 100 μL. Tổng số Escherichia coli trong 1 g mẫu được định lượng bằng phương pháp đếm tất cả các khuẩn lạc có màu đỏ sẫm đến tím, ánh kim trên môi trường EMB sau khi đã ủ ở 370C trong 24h. Việc xác định mật độ vi khuẩn Salmonella có trong mẫu đã được thực hiện theo mô tả của Tanaka và cs. và Yue và cs.. Mẫu đã được pha ở trên, mỗi nồng độ được cấy trải trên 3 đĩa môi trường Xylose-lysine deoxycholate (XLD, Merck, Đức), ủ ở 370C trong 24h. Tổng số Salmonella trên mỗi gram mẫu đã được định lượng dưới dạng đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU/g) bằng cách đếm tất cả các khuẩn lạc có màu đen, tròn trên môi trường XLD.

2.5. Phương pháp theo dõi heo mắc bệnh tiêu chảy và hô hấp

Heo mắc bệnh hô hấp và tiêu chảy được nghi nhận hàng ngày vào 7 giờ sáng bằng cách quan sát các triệu chứng lâm sàng. Heo được ghi nhận bị tiêu chảy khi phân lỏng, có thể kèm sốt, bỏ ăn. Heo được ghi nhận là mắc bệnh đường hô hấp khi có các triệu chứng như ho, khó thở, sốt, bỏ ăn.

2.6. Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu được nhập và quản lý trên phần mềm Microsoft Excel 2016 MSO (16.0.4266.1001). Số liệu thống kê về sự sai khác của các giá trị trung bình giữa các lô thí nghiệm được phân tích bằng phần mềm SPSS 18.0 (IBM SPSS Statistics version 18.0, IBM, Armonk, NY, Mỹ). Các giá trị được thể hiện ở các bảng là giá trị trung bình, độ lệch chuẩn (Mean ± SD). Khi giá trị p của phân tích phương sai < 0,05, phân tích Tukey được sử dụng để kiểm tra sự sai khác giữa các cặp nghiệm thức. Hai giá trị trung bình được cho là sai khác có ý nghĩa thống kê khi p ≤ 0,05. Số liệu theo dõi heo mắc bệnh tiêu chảy và hô hấp được ghi nhận hàng ngày, tỷ lệ ngày có heo bị bệnh (tiêu chảy hoặc hô hấp) (% ngày con) được tính theo công thức: A (% ngày con) = (a/(b × c)) × 100. Trong đó: a là tổng số con bị bệnh được cộng dồn theo ngày trong cả quá trình thí nghiệm (con), b là số heo thí nghiệm (con), c là số ngày theo dõi (ngày).

3. Kết luận

Bổ sung hỗn hợp chiết từ thảo dược có chứa 50% Cỏ xước vào thức ăn cho heo ở các mức khác nhau có thể làm thay đổi một số chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa máu, nhưng không ảnh hưởng đến sự thay đổi số lượng E. coli, và Salmonella trong phân của heo ở các giai đoạn của thí nghiệm. Bổ sung hỗn hợp chất chiết từ thảo dược có chứa 50% Cỏ xước trong thức ăn giúp cải thiện tình trạng mắc tiêu chảy ở heo trong cả quá trình từ khi cai sữa cho đến khi xuất chuồng. Để có cơ sở khoa học chắc chắn cho việc sử dụng hỗn hợp các cây Cỏ xước (50%), Dã quỳ (20%), Hoàn ngọc (20%) và Đinh lăng (10%) vào thức ăn nhằm thay thế kháng sinh, thì cần có những nghiên cứu sâu hơn về tác dụng của hỗn hợp này lên các chỉ tiêu khác như sức sản xuất, chất lượng thịt và khả năng đáp ứng miễn dịch của heo.

dtnkhanh
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 8, số 1, năm 2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->