Việc sử dụng các phụ phẩm khóm với các tỷ lệ không hợp lý hoặc không qua chế biến gây rát lưỡi làm trâu, bò không muốn thức ăn khác nên dễ bị đói hoặc không tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động phân giải thức ăn của vi sinh vật dạ cỏ, dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn của khẩu phần. Phế phẩm khóm có hàm lượng đường dễ tan cao, thuận lợi cho quá trình lên men nên có thể ủ chua để làm thức ăn nhằm thay thế một phần thức ăn thô xanh trong khẩu phần ăn của gia súc nhai lại. Công nghệ chăn nuôi càng phát triển, thức ăn ủ chua càng quan trọng. Thức ăn ủ chua thơm, ngọt, giàu đạm, vitamin và khoáng chất, ngon miệng, trâu bò rất thích ăn và tăng trọng khá. Vì vậy nghiên cứu xử lý phế phẩm khóm Tắc Cậu bằng phương pháp lên men để làm thức ăn cho gia súc nhai lại được thực hiện nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường do phế phẩm khóm gây ra và tận dụng làm nguồn thức ăn cho gia súc nhai lại.
1. Vật liệu
Vật liệu bao gồm bã thải khóm Tắc Cậu tươi vừa thải ra, rơm tươi, túi ni lông, máy hút chân không.
2. Phương pháp nghiên cứu
- Khảo sát hiện trạng ô nhiễm do phế phẩm khóm: Phỏng vấn 30 cơ sở/hộ dân chế biến khóm ở huyện Châu Thành.
- Nghiên cứu xử lý phế phẩm khóm Tắc Cậu với rơm: thí nghiệm thực hiện tại khu thực nghiệm Trường Đại học Kiên Giang.
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức và 4 lần lặp lại, các nghiệm thức là các mức bổ sung vỏ khóm 30; 45; 60 và 75% (tính trên trạng thái tươi) ủ với rơm khô. Các nghiệm thức bao gồm:
- K30: khóm được sử dụng ở mức 30% tính trên trạng thái tươi;
- K45: khóm được sử dụng ở mức 45% tính trên trạng thái tươi;
- K60: khóm được sử dụng ở mức 60% tính trên trạng thái tươi;
- K75: khóm được sử dụng ở mức 75% tính trên trạng thái tươi.
Kỹ thuật ủ: Phế phẩm khóm được ủ với các tỷ lệ rơm khác nhau, dùng máy hút chân không và tạo yếm khí bằng cách nén thủ công, mỗi túi 2 kg sản phẩm.
Mỗi túi ủ được cân định lượng theo tỉ lệ cho từng nghiệm thức được trộn lẫn với nhau, sau đó các túi ủ được bổ sung muối theo tỉ lệ 1% để tránh nấm mốc và tạo độ ngon miệng cho gia súc.
Do các nghiệm thức có số lượng rơm bổ sung vào khác nhau dẫn đến hàm lượng vật chất khô khác nhau. Để đảm bảo hàm lượng nước của các túi ủ trong khoảng 60 - 70% nên các nghiệm thức được bổ sung số lượng nước khác nhau.
Các chỉ tiêu theo dõi
+ Thành phần hóa học của rơm và khóm trước khi ủ: vật chất khô, chất hữu cơ và protein thô.
Vật chất khô được xác định bằng cách sấy mẫu (~1 g) ở nhiệt độ 1050C trong tủ sấy đến khối lượng không đổi, hàm lượng chất hữu cơ được xác định bằng cách đốt mẫu ở 6000C theo AOAC và protein thô được phân tích bằng phương pháp Kjeldahl (N * 6,25).
+ Chỉ tiêu trực quan (màu sắc, mốc và mùi) ở các thời điểm 0; 7; 14; 21 và 28 ngày.
+ Độ pH và NH3-N (ammonia nitrogen) ở các thời điểm 0; 7; 14; 21 và 28 ngày. Độ pH: Giá trị Ph của hỗn hợp được xác định bằng pH kế. Cân 5 g mẫu cho vào cốc thủy tinh rồi cho thêm 100 ml nước cất, lắc nhẹ và để yên 15 phút trước khi đo.
Xác định NH3-N (ammonia nitrogen) được xác định bằng phương pháp Kjeldahl theo AOAC (2000).
- Đánh giá tính khả thi của sản phẩm thức ăn chăn nuôi:
Đề tài phỏng vấn 30 hộ dân chăn nuôi trâu bò ở huyện Giồng Riềng gồm các thông tin: trình độ, học vấn, kinh nghiệm, số lượng và loại gia súc, nguồn thức ăn, chi phí, ưu và nhược điểm các loại thức ăn đang sử dụng, thông tin về thức ăn ủ chua và mức độ quan tâm, mức độ sẵn lòng sử dụng.
Nghiên cứu có sử dụng phương pháp phân tích hồi quy bằng hàm số dạng tuyến tính với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 16.0. Với phương pháp thống kê mô tả, tất cả các dữ liệu sẽ được tính với phần mềm MS Excel và số liệu sau khi thu nhập được xử lý theo mô hình tuyến tính tổng quát (GLM) chương trình Minitab Version 16.1.
Hàm tuyến tính có dạng:
NCSDTA = β1 + β2 QTCHATLUONG + β3TINTUONG + β4 QTNGUONGOC +β5 THUNHAP + β6 GIALECH + β7 SOLUONG
3. Kết luận
Phế phẩm khóm là một nguồn gây ô nhiễm đối với môi trường nếu không được thu gom và xử lý đúng cách. Thành phần dinh dưỡng của rơm và phế phẩm khóm phù hợp cho quá trình lên men để tạo ra nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc. Kết quả cho thấy, có thể bảo quản sản phẩm ủ đến giai đoạn ngày 28 với tỷ lệ khóm ủ 75% nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho gia súc nhai lại.
Có đến 63% hộ dân đồng ý sử dụng sản phẩm ủ chua và mô hình hồi quy tuyến tính đa biến đã được xây dựng để đánh giá nhu cầu sử dụng thức ăn lên men cho gia súc với hệ số R2/R2 điều chỉnh là 0,767. Trong đó, yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng sản phẩm là các hộ dân quan tâm nguồn gốc thức ăn ủ chua. Đây là yếu tố cần khai thác nhằm nâng cao mức độ chấp nhận sử dụng sản phẩm.
Tiếp tục nghiên cứu phế phẩm khóm và rơm với các nghiệm thức khác nhau, ở các giai đoạn thời gian nhiều hơn để tăng thời gian sử dụng của sản phẩm; sử dụng thêm các thực liệu có sẵn ở địa phương khác để kết hợp với vỏ khóm đem ủ để tìm ra khẩu phần tỉ lệ tối ưu nhất đồng thời góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do các phế phẩm nông nghiệp gây ra. |