Chi Bằng lăng Lagerstromeia L. (thuộc họ Bằng lăng Lythraceae) là dạng cây gỗ hoặc cây bụi, cụm hoa hình chùy, đài hoa hình chuông hoặc ống, thùy đài và tràng hoa 6-9, quả hóa gỗ, hạt có cánh. Chi bao gồm khoảng 60 loài và phân bố chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới đất thấp từ Ấn Độ đến Trung Quốc, khu vực Malaysia và mở rộng đến bắc Úc. Ở Việt Nam, chi Bằng lăng đã ghi nhận khoảng 20 loài, phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Nam với khí hậu nhiệt đới điển hình. Chi Bằng lăng được nhiều người biết đến vì có một số loài được trồng làm cảnh trong vườn và ven đường. Nhiều loài thuộc chi Bằng lăng rất giàu các hợp chất hoạt tính sinh học, có tính dược lý cao, có thể làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhiễm khuẩn, chống béo phì. Đặc biệt, hoạt chất axit corosolic trong lá của chi Bằng lăng được ứng dụng rộng rãi trong y dược học, có tác dụng điều trị tiểu đường, chống béo phì, chống viêm, chống tăng lipid máu... Axit corosolic có đặc tính chống ung thư và tác dụng vô hại đối với các tế bào bình thường. Với cơ chế hoạt động mạnh mẽ của axit corosolic, chất này đã được đề xuất như một tác nhân để phòng ngừa và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Axit corosolic cũng có thể làm giảm khả năng tăng sinh của các tế bào có nồng độ glucose cao và tiếp tục ức chế sự phát triển của khối u bằng cách vô hiệu hóa con đường CDK19/YAP/O-GlcNAcylation. Ngoài ra, axit corosolic có hoạt tính khôi phục thông lượng autophagic và cải thiện chức năng của ty thể, axit corosolic bảo vệ chống lại nhiễm độc tím do doxorubicin (chất có tác dụng chống ung thư hiệu quả) gây ra.
Trong đó, loài Bằng lăng ổi (Lagerstroemia calyculataKurz) thường gặp ở các tỉnh phía Nam, mọc trên đất hơi ẩm vùng rừng núi. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có công trình nào nghiên cứu về đặc điểm hình thái, giải phẫu và định lượng axít corosolic trong lá của loài Bằng lăng ổi tại Việt Nam (chủ yếu các nghiên cứu được thực hiện trên loài Bằng lăng nước)
Các mẫu tiêu bản và mẫu lá Bằng lăng ổi được thu thập ở các tỉnh của vùng Đông Nam Bộ vào tháng 3, 6 và 9/2022. trong thời gian ra hoa và quả. Tiêu bản của mẫu được giám định tên khoa học và lưu giữ tại Phòng Tiêu bản của Viện Dược liệu (NIMM).
Sử dụng phương pháp hình thái so sánh để xác định tên khoa học loài. Nghiên cứu đặc điểm giải phẫu theo phương pháp của N. Ba (2009) và định lượng hàm lượng axít corosolic trong lá theo Dược điển Mỹ (USP 40), có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của phòng thí nghiệm.
Kết quả cho thấy loài Bằng lăng ổi có đặc điểm hình thái là cây gỗ lớn, rụng lá, cao 30-35 m, thân có vỏ nhẵn. Lá hình mác thuôn, gân bên 9-11 đôi, có lông. Cụm hoa hình chùy, hoa trắng nhỏ. Quả nang hình trứng, nứt thành 6 mảnh. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn. Giải phẫu thân có mô dẫn thứ cấp là một trụ dẫn liên tục, trụ ống libe kép và gân lá lồi rõ ở cả hai mặt. Bên ngoài biểu bì có lông đa bào hình sao. Rải rác trong mô mềm có các hạt tinh thể. Khí khổng chỉ có ở mặt dưới của lá. Định lượng axít corosolic trong 3 mẫu lá Bằng lăng ổi đạt 0,05-0,12%.
Nghiên cứu này đã mô tả chi tiết đặc điểm hình thái, giải phẫu và định lượng axít corosolic trong 3 mẫu lá của Bằng lăng ổi thu thập tại vùng Đông Nam Bộ. |