Nghiên cứu [ Đăng ngày (07/04/2024) ]
Ảnh hưởng của mật độ trồng đến sinh trưởng và năng suất của 3 giống ngô nếp tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
Nghiên cứu do nhóm tác giả Hồ Văn Tấn và Nguyễn Châu Niên công tác tại Trung Tâm Nghiên Cứu và Phát Triển Vinaseed và Khoa Nông Học, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện từ tháng 04/2021 đến tháng 06/2021 tại Củ Chi, Hồ Chí Minh.

Ngô nếp (Zea maysL. var.ceratinaKulesh) có nguồn gốc từ ngô tẻ, được phát hiện ở nhiều nơi khác thuộc Châu Á (Collins, 1920). Ở Việt Nam, ngô nếp là nguồn lương thực quan trọng của các dân tộc thiểu số nói riêng và người Việt Nam nói chung. Diện tích trồng ngô nếp và ngô đường ở nước ta ước tính chiếm hơn 10% tổng diện tích trồng ngô của cả nước (Nguyen, 2015). Hiện nay, yêu cầu chất lượng giống ngô nếp ngày càng cao, chủ yếu sử dụng các giống nhập nội. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu tuyển chọn giống ngô nếp lai có đặc tính sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sản xuất tại địa phương để cạnh tranh với giống nhập nội là rất cần thiết. Vì vậy, cần tiến hành các khảo nghiệm giống nhằm xác định khả năng thích nghi của từng giống với từng điều kiện canh tác nhất định. Mặc dù lượng tiêu thụ hạt giống ngô nếp ngày càng tăng nhưng năng suất bình quân bắp tươi lại không cao. Năng suất ngô của Mỹ trong hơn 40 năm qua tăng thêm 58% là nhờ đóng góp của giống lai đơn, 21% là nhờ tăng mật độ trồng và 5% nhờ thu hẹp khoảng cách hàng. Các nghiên cứu về mật độ trồng ngô tẻ ở nước ta đã được nghiên cứu khá lâu (Tran & ctv., 2014). Kết quả nghiên cứu của Duong & ctv. (2011) cho thấy mật độ 71.000 cây/ha (50 x 28 cm) thích hợp cho THL IL3 x IL6. Nghiên cứu của Vu & ctv.(2013) cho thấy năng suất của giống ngô LVN68 đạt cao nhất ở mật độ 66.600 cây/ha, vượt so với mật độ 57.000 cây/ha (đối chứng) từ 15,80 -24,71%. Đối với ngô nếp thì nghiên cứu về mật độ trồng còn ít, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế của ngô nếp (Tran & ctv., 2014). Để tăng tỷ lệ bắp thương phẩm, hiện nay một số nơi người dân bố trí khoảng cách trồng còn quá thưa với khoảng cách trồng 70 - 80 x 30 - 35 cm. Tuy nhiên, với thời gian sinh trưởng ngắn và thu hoạch bắp tươi là chính nên có thể thu hẹp khoảng cách trồng để tăng mật độ, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Nghiên cứu của Tran & ctv. (2014) cho thấy, giống ngô nếp lai HN88 trồng ở mật độ trồng 66.600 cây/ha (50 x 30 cm) cho năng suất cao nhất, nhiễm nhẹ sâu bệnh và chống đổ tốt nhất. Nghiên cứu của Can (2020) trên giống ngô nếp TG10 cho thấy mật độ trồng 71.000 cây/ha (70 x 20 cm) cho năng suất bắp tươi cao nhất 13,5 tấn/ha và cho lợi nhuận cao nhất đạt 61,9triệu/ha. Nghiên cứu của Duong & ctv. (2016) cho thấy, trên nền phân bón 190 kg N/ha + 90kg P2O5và 70 kg K2O/ha trồng giống ngô nếp lai HUA518 ở mật độ từ 57.000 - 61.000 cây/ha cho năng suất cao nhất đạt 11 - 11,8 tấn bắp tươi/ha. Yếu tố giống và mật độ trồng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau trong việc quyết định đến năng suất ngô nếp. Vì vậy, song song với việc đánh giá tính thích nghi của giống, cần nghiên cứu khoảng cách trồng phù hợp nhằm đảm bảo năng suất cho từng giống ngô nếp mới được chọn tạo.

Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ trồng đến sinh trưởng và năng suất 3 giống ngô nếp đã được thực hiện từ tháng 04/2021 đến tháng 06/2021 tại Củ Chi, TP.HCM. Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu lô phụ với 9 nghiệm thức, 3 lần lặp lại. Lô chính gồm 3 giống ngô nếp V068, V247, V659, lô phụ gồm 3 mật độ trồng 71.400 cây/ha (70 x 20 cm), 57.100 cây/ha (70 x25 cm) và 47.600 cây/ha (70 x 30 cm). Kết quả cho thấy mật độ trồng 57.100 cây/ha phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của ba giống ngô thí nghiệm. Ở mật độ này, giống V068 cho NSTT 18,2 tấn/ha, tỷ lệ bắp loại 1 đạt 66,0% và tỷ suất lợi nhuận đạt 1,15. Trong khi giống V247 cho NSTT 18,4 tấn/ha, tỷ lệ bắp loại 1 đạt 70,2% và tỷ suất lợi nhuận đạt 1,23. Giống V659 cho NSTT 18,4 tấn/ha, tỷ lệ bắp loại 1 đạt 71,8% và tỷ suất lợi nhuận đạt 1,28.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, số 1 (2023)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->