Ảnh minh họa: Internet
Ở Việt Nam, cá chẽm (Lates calcariferBloch, 1790) là đối tượng nuôi có nhiều tiềm năng vì có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, ít bị bệnh (tỉ lệ sống đạt 70 - 80%), nhanh lớn, chất lượng thịt thơm ngon (giàu protein và acid béo thuộc họ omega 3). Do đó, nghề nuôi cá chẽm ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi và góp phần đa dạng đối tượng nuôi của ngành thủy sản.
Trong nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá chẽm nói riêng, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ sự biến động của các yếu tố môi trường, việc cung cấp nguồn thức ăn có khả năng hấp thụ dinh dưỡng cao có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ sinh trưởng và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá, từ đó ảnh hưởng đến giá thành nuôi cá. Cá chẽm được nuôi bằng cách sử dụng thức ăn cá tạp (FCR 4 - 8) hoặc thức ăn công nghiệp dạng viên nổi (FCR 1,4 – 1,7) làm cho giá thành nuôi cá cao, giảm lợi nhuận của người nuôi cá. Hơn nữa, khi nghề nuôi cá chẽm trở nên phổ biến, sản lượng cá cung cấp cho thị trường nhiều, giá cá chẽm trên thị trường và lợi nhuận của người nuôi chắc chắn sẽ giảm. Vấn đề đặt ra là cần tăng hiệu quả sử dụng thức ăn của cá chẽm (qua việc giảm FCR), từ đó có thể hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Côn trùng được xem là nguồn thức ăn tiềm năng có thể cung cấp hàm lượng cao các chất dinh dưỡng và là một loại thức ăn bền vững cho ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hàm lượng protein và các acid amin thiết yếu (methionine, leucine) trong nhộng của một số loài côn trùng tương đương với nguồn protein bột cá. Các nghiên cứu cho thấy bột côn trùng có thể thay thế 25 – 100% bột đậu nành hoặc bột cá trong khẩu phần thức ăn của các loài vật nuôi. Ngoài ra, côn trùng cũng là một nguồn chứa các nhóm chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao có khả năng tăng cường đáp ứng miễn dịch, kháng virus và kháng khuẩn ở người, gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi như các peptid (attacin, cecropin, defensin, diptericin,...), axít lauric, polysaccharide,.... Bên cạnh đó, chitin và các dẫn xuất của chitin có trong vỏ côn trùng có khả năng kích thích miễn dịch. Ido và cộng sự (2015) đã nghiên cứu bổ sung nhộng ruồi nhà (Musca domestica, NRN) tươi vào khẩu phần ăn của cá tráp đỏ (Pagrus major) với các nghiệm thức không bổ sung NRN, bổ sung 0,05%, 0,5%, và 5% NRN. Kết quả cho thấy sau 24 ngày nuôi, tốc độ tăng trưởng về khối lượng (KL) của cá tráp đỏ ở nghiệm thức bổ sung 5% NRN cao hơn có ý nghĩa thống kê so với không bổ sung. Đặc biệt, hệ số FCR ở các nghiệm thức có bổ sung NRN thấp hơn gần hai lần so với lô không bổ sung. Tại Việt Nam, nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucen) (RLĐ) đã được nghiên cứu và áp dụng trong xử lý chất thải sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho kết quả bước đầu khả quan và tạo ra sản lượng nhộng RLĐ khá lớn có thể cung cấp cho người nuôi cá chẽm. Tương tự như NRN, nhộng RLĐ có chứa các chất có hoạt tính sinh học như: các peptid kháng khuẩn, chất kích thích tăng trưởng, tăng đáp ứng miễn dịch,.... Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng nhộng RLĐ tươi như một chất bổ sung trong thức ăn lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá chẽm. |