Ảnh minh họa: Internet
Cá rô đồng phân bố ở Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, các quần đảo giữa Ấn Độ và châu Úc. Tại Việt Nam, cá phân bố rộng ở khắp các vùng và các loại hình mặt nước khác nhau như: mặt nước ao, hồ, kênh, mương, ruộng lúa và đầm lầy. Ở đồng bằng sông Cửu Long cá rô đồng phân bố nhiều ở các khu vực trũng, nước ngập quanh năm như nông trường Phương Ninh (Cần Thơ), rừng U Minh Hạ (Cà Mau), rừng U Minh Thượng (Kiên Giang) và vùng tứ giác Long Xuyên. Cá rô đồng là loài cá nước ngọt nuôi rất phổ biến ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cá có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi môi trường, có thể nuôi với mật độ cao và cho ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Một số nghiên cứu về môi trường ấp trứng cá rô đồng cho thấy độ cứng của nước và hàm lượng Fe tổng số cao có thể tác dụng xấu đối với sự phát triển của phôi và cá bột. Qua nghiên cứu của Basa cho thấy ô nhiễm kim loại trong nước sông và bùn đáy dẫn tới sự tích tụ sinh học trong các loài cá tự nhiên và các loài cá nuôi lấy nguồn nước từ sông sẽ bị gây rối loạn miễn dịch, mất cân bằng nội tiết hoặc bị stress về mặt sinh lý, làm thay đổi các thông số sinh hoá trong các mô và máu. Một số nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến hiệu quả ấp nở trứng cá rô đồng đã được thực hiện, điển hình như nghiên cứu của Lê Phú Khởi về ảnh hưởng của độ mặn, pH lên sự phát triển phôi và cá bột cá rô đồng; Dương Thúy Yên và Phạm Thanh Liêm nghiên cứu về mối quan hệ giữa kích cỡ và các chỉ tiêu sinh sản của cá rô đồng và Trần Ngọc Huyền nghiên cứu về ảnh hưởng của độ mặn đến một số chỉ tiêu sinh lý và tăng trưởng cá rô đồng. Tuy nhiên, nguồn tài liệu công bố thành quả nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Hiện nay, chưa có công bố nào về nghiên cứu ảnh hưởng của độ cứng nước, kim loại nặng lên các chỉ tiêu sản xuất giống cá rô đồng. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của độ cứng lên một số chỉ tiêu sinh sản cá rô đồng góp phần cải tiến kỹ thuật sản xuất cá giống.
Các chỉ tiêu pH, Oxy hòa tan và nhiệt độ trong thời gian ấp trứng cá rô đồng đều nằm trong khoảng thích hợp cho phôi và ấu trùng cá phát triển.Trứng cá rô đồng ấp trong nước độ cứng 70-190 mg CaCO3/L đạt tỷ lệ thụ tinh 83,7-85,3%; Tỷ lệ nở của trứng ở nghiệm thức 70 mg CaCO3 /L là 90,0%; đến giai đoạn cá tiêu hết noãn hoàng thì tỷ lệ sống của cá bột cao nhất ở nghiệm thức 70 mg/L là 73,7% và tỷ lệ dị hình của ấu trùng cá rô đồng thấp nhất là 3,67%. Ấp trứng cá rô đồng từ giai đoạn trứng đến cá tiêu hết noãn hoàng phù hợp ở độ cứng nước 70 mg CaCO3/L. |