Đó là nội dung được đưa ra tại hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của doanh nghiệp” do Hội các nhà quản trị doanh nghiệp VN và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - đầu tư) tổ chức ngày 28/6 tại TPHCM.
Áp lực lạm phát
Giáo sư- tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái (Hội khoa học Kinh tế Việt Nam) nhấn mạnh năm 2011 là một năm khó khăn với kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 5,6%, thấp hơn mức 6,16% cùng kỳ năm ngoái, lạm phát lên tới 13% do tác động của giá thế giới, tỷ giá và giá một số đầu vào quan trọng. Trong khi đó xuất khẩu tăng, nhất là nông sảm nhưng thâm hụt thương mại lên 7,5 tỷ USD.
 |
Các hoạt động sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp
đều bị ảnh hưởng bởi lạm phát (Ảnh: Hoài Nam). |
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Xuân Bá (Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) mục tiêu tăng trưởng đạt 6%, lạm phát ở mức 15% trong năm nay là điều quá khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện nay, thậm chí giữ được lạm phát ở mức 17 - 18% cũng là điều không dễ.
Đánh giá của ông Bá, áp lực của lạm phát đè nặng lên tất cả các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ … đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh tồn tại một cách cầm cự, hoặc thực chất “khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa được rồi”.
Trước áp lực lạm phát, các doanh nghiệp gặp khó khăn toàn diện trên mọi mặt như áp lực về giá cả nguyên liệu, tiếp cận nguồn vốn khi nhà nước sắt chặt tiền tệ, sức mua của người dân giảm…
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết hoạt động bán lẻ đang ở thời kỳ được gọi là “u ám” vì ảnh hưởng của lạm phát. Với tình trạng leo thang của giá nguyên liệu, chi phí sản xuất, vận chuyển, giá hoàng hóa… mức tăng trưởng thực chất của của doanh nghiệp phân phối, bán lẻ thấp chưa từng có (7,6%).
Bà Loan dự báo, tình hình kinh doanh sáu tháng còn lại của năm sẽ còn đối mặt với khó khăn nhiều hơn hơn. Mức tăng trưởng của hoạt động bán lẻ dự báo có thể xuống tới 6%.
Doanh nghiệp phải tự cứu mình
Đánh giá cao những chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước nhưng ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc công ty Vissan nhận xét rằng chính sách của chính phủ thường có “độ trễ” so với thực tế, mất một thời gian dài mới có tác dụng nên trước mắt các doanh nghiệp cần phải dự vào nội lực của chính mình.
Những phương án hiện nay Vissan đang áp dụng là liên kết hoạt động chế biến với nguồn nguyên liệu và phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm và không ngừng xây dựng thương hiệu.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng tìm các cách đối phó với khó khăn như tiết kiệm chi phí, tiết kiệm điện bằng thay đổi giờ sản xuất, giảm tải chi phí trung gian, tăng hệ số quay vòng vốn…
Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Xuân Bá đưa ra các gói giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp. Theo đó, cần học cách thích nghi và có những biện pháp đối phó thích hợp với các tình huống khó khăn.
Ông Bá nhấn mạnh đến phương án kinh doanh phù hợp cho doanh nghiệp như nắm bắt lại nhu cầu của thị trường không chỉ trước mắt mà về lâu dài, không chỉ trong nước mà còn ngoài khu vực; tổ chức lại sản xuất, quản lý để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đồng thời phải liên tục đổi mới chất lượng. Đặc biệt với các doanh nghiệp nhập nguyên liệu bị ảnh hưởng bởi tỷ giá phải nhìn lại cơ cấu sản xuất để tăng tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng những nguyên vật liệu trong nước chất lượng tương đương với nhập liệu từ nước ngoài.
Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TPHCM đồng tình trước khó khăn, doanh nghiệp cần tìm cách ứng phó phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động phù hợp của mình. Nhưng theo bà Loan, doanh nghiệp lĩnh vực nào cũng gặp khó khăn thì điều quan trọng về lâu dài, cần những chính sách ổn định phù hợp của nhà nước để doanh nghiệp chủ động sản xuất, phát triển bền vững.
|