Theo số liệu của Bộ Công Thương, EVN đang sở hữu, quản lý, vận hành khoảng 53,1% tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống. Nếu tính cả các nguồn điện do EVN nắm giữ cổ phần chi phối thì con số này lên tới 71%. Các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân khác chỉ sở hữu, quản lý, vận hành khoảng 10,4%. Phần còn lại thuộc các "ông lớn" như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn xây dựng công nghiệp Việt Nam sở hữu, quản lý, vận hành.
Các chuyên gia cho rằng, chính việc EVN nắm giữ thế độc quyền nên việc đàm phán mua bán điện còn khó khăn. Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, Vinacomin bắt đầu tham gia phát triển các dự án điện từ năm 1998, với dự án điện Hải Phòng 1 và 2, nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2... Tuy nhiên, nhiều dự án điện kéo dài và chậm tiến độ vì không thỏa thuận được giá cả với "ông nhà đèn". Thậm chí, một số dự án sắp đưa vào vận hành nhưng vẫn chưa đàm phán giá điện xong như Sơn Đông, Cẩm Phả. Đối với các trường hợp này, giá điện chỉ là tạm tính, giá chính thức vẫn còn "lơ lửng".
 |
Các chuyên gia cho rằng, chính việc EVN nắm giữ thế độc quyền
nên việc đàm phán mua bán điện còn khó khăn.
Ảnh: Hoàng Hà
|
Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại cho rằng, đơn vị của ông là một trong số khách hàng may mắn ký được hợp đồng bán điện trong 4 năm cho EVN với giá gần 700 đồng một kWh. Giá bán điện được điều chỉnh hằng tháng. Khi than và dầu tăng thì giá điện cũng được điều chỉnh theo.
Theo ông Sơn, nguyên nhân cốt lõi của việc các doanh nghiệp khó đàm phán giá điện vì EVN muốn có khoản lãi nhất định để đảm bảo chi phí hoạt động kinh doanh. Nếu như phí mua vào của các công ty phát điện cao thì EVN có thể lỗ. "Doanh nghiệp phải đàm phán lâu dài vì EVN vẫn phải bù chéo các nhóm đối tượng khác nhau, giá cả giữa các đơn vị thành viên và ngoài ngành có sự khác biệt", ông Sơn chia sẻ.
Không chỉ doanh nghiệp bán điện cho EVN kêu trời mà ngay cả những đơn vị mua điện cũng "sốt ruột" vì đóng hằng tháng nhưng không được cung cấp đủ. Ông Đào Hữu Huyền, Giám đốc Công ty Bột giặt và Hóa chất Đức Giang cho hay, mỗi tháng tiền nộp cho điện lực Lào Cai mất 15-30 tỷ đồng nhưng hiện nay, một số công trình do công ty ông đầu tư cũng khốn khổ vì ngành điện.
Luật Điện lực quy định, điện lực phải cung cấp điện cho nhà đầu tư đến chân hàng rào công trình, nhưng trong quá trình thực hiện việc này vẫn thường chậm. Ông Huyền dẫn chứng, công trình của Nhà máy Phốt pho 1 của công ty ông đang chậm tới 3 tháng. "Tháng 7 này chúng tôi bắt đầu chạy tổ máy số 2 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đường dây dự phòng. Chỉ vì thiếu một đường dây điện vào thôi mà tất cả các khâu phải dừng lại để chờ", ông Huyền than thở.
Theo ông Huyền, một số tổ máy đang cần điện để chạy thử nhưng vẫn "bặt vô âm tín". Phía công ty Đức Giang đề xuất sẵn sàng ứng trước vốn 4 - 5 tỷ đồng để xây dựng đường dây dự phòng, nhằm giải quyết khâu vốn cho điện lực sau đó hoàn lại cho công ty dưới hình thức khác, như trừ vào tiền điện nhưng cũng không thấy phía "nhà đèn" hồi âm.
Mỗi lần tăng giá điện là doanh nghiệp lại hồi hộp. Ông Huyền chia sẻ, theo Quyết định 24, giá điện có thể tăng 3 tháng một lần, nhưng hợp đồng mua bán điện không thể ký 3 tháng một lần. Ông Huyền đưa ra một nghịch lý, năm ngoái thiếu điện, doanh nghiệp phải chạy vạy mua từng MW một nhưng năm nay phía nhà đèn thừa điện thì khuyến khích doanh nghiệp chạy cả vào giờ cao điểm dù giá chênh lệch giữa giờ cao và thấp điểm không nhỏ.
"Nhà đèn muốn doanh nghiệp chia sẻ khó khăn nhưng khi doanh nghiệp gặp khó thì điện lực lại thờ ơ. Tôi cho rằng, công ty điện lực và doanh nghiệp phải ngồi đàm phán mà không nên cứng nhắc theo khung giá cao điểm là 1.900 đồng mỗi kWh; giờ thấp điểm là 1.200 mỗi kWh", ông Huyền nói.
Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, giá mua bán điện do Chính phủ quy định đã gây khó khăn cho cả bên bán và bên mua. Hai bên rất khó thương thảo bởi thực tế, nguyên liệu đầu vào đang biến động rất nhiều. "Thủ tướng chỉ nên quy định khung giá bán điện bình quân. Biểu giá cụ thể nên để bên bán và bên mua tự thỏa thuận", ông Thanh kiến nghị.
Ông Thành giải thích, hợp đồng của các doanh nghiệp bán điện cho EVN gặp khó khăn vì nhiều khách hàng hiểu lầm EVN phải chịu trách nhiệm đầu tư lưới đấu vào nhà máy. Do đó, theo ông Thành, cần quy định rõ bên phát điện có trách nhiệm xây dựng trạm và đường dây đấu nối.
|