Kinh doanh [ Đăng ngày (16/06/2013) ]
Thị trường vàng sắp “nóng”...
Vàng luôn là một vấn đề được dư luận quan tâm và là chủ đề được đưa ra “mổ xẻ” trong các kỳ họp Quốc hội gần đây.

Thị trường vàng vẫn còn phải chờ đợi ....

Điều được quan tâm nhiều nhất vẫn là khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới khi nào mới thu hẹp. Chỉ hơn nửa tháng nữa là đến thời điểm cuối cùng cho việc tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng (NH). Liệu sau ngày đó, giá vàng có được “đại hạ giá” hay không?

Trong hơn 3 tháng tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC, đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra được hơn 700 nghìn lượng vàng, tương đương hơn 29 tấn vàng. Đây là một lượng cung vàng lớn, có khả năng “giảm nhiệt” giá vàng. Thực tế, “người” mua số  vàng này chủ yếu là các Ngân hàng thương mại (NHTM) với mục đích “bổ sung” vàng để đáp ứng kịp thời hạn tất toán trạng thái dư nợ vàng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp (DN) được cấp phép chỉ tham gia trong thời gian đầu, còn giờ thì “chững lại”. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không bị thu hẹp cho dù NHNN đã tăng nguồn cung.

Trong những buổi trả lời, nhiều đại diện NHNN đã cho rằng chênh lệch đó chắc chắn sẽ được thu hẹp sau thời điểm 30-6 tới. Nhưng khoảng cách đó là bao nhiêu thì vẫn còn là ẩn số. Theo anh Kiên, chủ một tiệm vàng ở Hà Nội, những ngày gần đây, đã xuất hiện hiện tượng một số người dân mang vàng đi bán. Điều này cho thấy, họ đang “lo sợ” giá vàng trong nước sẽ có sự “”hạ giá” mạnh. “Tâm lý này của người dân xuất phát từ diễn biến trên thị trường hiện nay, nguồn cung trong thời gian tới sẽ thực sự được “bung ra” thị trường khi các NHTM hoàn thành việc tất toán dư nợ vàng”, anh Kiên phân tích.

Dự đoán này là có cơ sở bởi trong suốt thời gian qua, lượng cung vàng vẫn đang ở trạng thái “trung gian”, nghĩa là nằm tại các NHTM, chứ chưa được ra thị trường. Cho nên, nhiều người dân kỳ vọng với lượng cung “khổng lồ” sắp tới thì thị trường vàng sẽ có nhiều biến động mạnh, mà ở đây là sẽ có cuộc “đại hạ giá”. Đó là những tính toán dựa trên quan hệ cung – cầu. Còn thực tế thì sao?

“Khó có thể giảm giá mạnh sau ngày 30-6”, đó là nhận định của ông Phạm Tuấn Anh, PGĐ Chi nhánh Hà Nội Cty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Theo ông Tuấn Anh, thị trường vàng tại nước ta không hoạt động theo nền kinh tế thị trường nên không thể dựa trên quan hệ cung – cầu trong trường hợp này. Hơn nữa, chúng ta cũng không có sự liên thông với thị trường vàng thế giới nên sẽ không có sự cạnh tranh nhiều về giá, mà giá sẽ do một người hoặc một nhóm người quyết định. Người mua gần như không có nhiều cơ hội lựa chọn cũng như không có sự lựa chọn nào khác về sản phẩm. Đó là thực tế hiện nay, người ta dựa vào đâu để nói chênh lệch giá vàng sẽ được thu hẹp...?
Có lẽ là do một số người dân cho rằng, số lượng vàng được tất toán xong đồng nghĩa với nguồn cung vàng trong dân sẽ tăng. Nhưng đó chỉ là dự đoán, còn thực tế thì không hoàn toàn như vậy bởi đa phần số vàng có trong NHTM chủ yếu là của giới đầu cơ, chứ người dân không đáng bao nhiêu. Vì thế, giá bán vẫn do nhóm người này quyết định. Họ sẽ lựa chọn thời điểm hợp lý, khi nhu cầu vàng tăng cao, để bán lại kiếm lời. Khó có thể có sự thay đổi đột ngột về giá vàng trong thời gian sắp tới?

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng cho rằng, hoạt động đấu thầu vàng là biện pháp tốt để đảm bảo tính minh bạch và công khai của thị trường. Đồng thời, việc can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận. Lập luận đó chỉ đúng một phần bởi có thể đấu thầu là một hoạt động mua bán công khai nhưng về bản chất thì nó thường có mục tiêu “bán được nhiều với giá cao nhất”. Tại thời điểm đấu thầu, giá trúng thầu có thể thấp hơn giá thị trường nhưng nếu nhìn lại giá vàng thế giới (quy đổi), thì nó vẫn còn cao hơn nhiều. Vậy chênh lệch từ hoạt động đấu thầu “không vì lợi nhuận”?
“Tôi không quan tâm nhiều đến vấn đề vĩ mô mà chỉ để ý đến việc mình có bị thiệt hay không khi mua bán vàng miếng thôi”, anh Thành, trú ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, cho biết. Khoảng cách mua vào và bán ra vẫn không có sự ổn định, thường dao động và luôn bị thay đổi theo nhu cầu của DN chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Vậy đây có thể gọi là sự ổn định của thị trường không?
Quả thật, mỗi khi giá vàng trên thị trường thế giới có sự biến động mạnh thì ngoài việc giá bán trong nước thay đổi “nhẹ”, khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra cũng có sự nới rộng. Người dân đua nhau mua khi giá vàng giảm “nhẹ” nhưng lại không thể bán được khi giá vàng tăng “nhẹ” bởi giá mua vào tại thời điểm giảm vẫn còn cao hơn giá bán ra tại thời điểm tăng. Thiệt hại sẽ lại rơi vào người dân.
Có thể thấy, sau 1 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về hoạt động quản lý và kinh doanh vàng miếng, NHNN khẳng định đã đạt được một số thành công bước đầu về mặt vĩ mô như ổn định tỷ giá, làm mất động lực đầu cơ, làm giá,.... Nhưng thực tế, người dân lại chưa nhận được nhiều tín hiệu vui từ thị trường, nhất là khi giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều.
Ngoài ra, NHNN vẫn chưa thực sự kiểm soát được thị trường, vẫn có nhiều DN, đơn vị ngừng giao dịch hoặc nếu có thì giao dịch “nhỏ giọt” khi có sự biến động về giá. Việc kiểm soát và quản lý hoạt động sản xuất, gia công và kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ vẫn đang bị bỏ ngỏ, chất lượng và tuổi vàng chưa được đồng đều, vẫn dựa theo nhu cầu thực tế chứ không có quy định bắt buộc về quy chuẩn.

Nguyễn Tuấn
Theo http://phapluatxahoi.vn (ntbtra)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->