Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019, trên toàn thế giới có khoảng 2,4 triệu trẻ em tử vong ở giai đoạn sơ sinh, chiếm 47% trong tỷ lệ tử vong chung của trẻ dưới 5 tuổi với khoảng 1 triệu trẻ tử vong trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Trong đó sinh non là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ sinh non hiện nay còn cao, trong năm 2020 có khoảng 13,4 triệu trẻ em trên thế giới sinh non, chiếm tỷ lệ lên đến 16% số trẻ em được sinh ra và khoảng 900.000 trẻ sinh non tử vong mỗi năm do các biến chứng sinh non.
Ở Việt Nam, trong vài thập niên gần đây tình hình tử vong chung của trẻ em nói chung và trẻ sinh non nói riêng có nhiều cải thiện nhờ đời sống kinh tế xã hội được nâng cao cũng như nhờ việc tiến hành đồng thời các chương trình Quốc gia phòng chống các bệnh thường gặp ở trẻ em. Từ năm 1990 đến 2018, số lượng trẻ em tử vong đã giảm từ 52 ca xuống còn 21 ca trên 1.000 ca sinh sống. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm không đáng kể, đặc biệt trong đó sinh non vẫn là nguyên nhân hàng đầu trong tử vong sơ sinh.
Sự biến đổi của tiểu cầu máu ngoại vi cũng góp phần chẩn đoán bệnh ở trẻ sinh non, đặc biệt là khi giảm tiểu cầu là tình trạng khá phổ biến ở trẻ lứa tuổi này: 1/3 trẻ đẻ non có số lượng tiểu cầu giảm dưới 150.000/mm3. Do đó việc phát hiện những biến đổi tiểu cầu ở trẻ sinh non giúp chúng ta có thể tiên lượng khả năng mắc bệnh lý của trẻ để từ đó chiến lược tầm soát và chăm sóc trẻ tốt hơn, góp phần giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh. Tuy nhiên với xu hướng hiện nay nhằm hạn chế sự đau đớn cho trẻ sơ sinh qua việc lấy máu tĩnh mạch ngoại vi, việc tận dụng máu cuống rốn như là nguồn thay thế cho các xét nghiệm này có khả năng phòng tránh được sự đau đớn do lấy máu xâm nhập. Máu cuống rốn có thể thay thế được cho máu ngoại vi mà không làm giảm độ chính xác của xét nghiệm, nhờ đó nó có thể giúp trẻ sơ sinh không thấy khó chịu vì thủ thuật xâm lấn và tiết kiệm cả thời gian cũng như nguồn lực liên quan đến việc lấy máu toàn thân từ trẻ sơ sinh. Mặt khác, sự thay đổi tiểu cầu máu cuống rốn sau sinh là một trong những yếu tố được sử dụng để giúp chúng ta có định hướng về tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh sau khi sinh. Do đó các tác giả tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu đánh giá vai trò của tiểu cầu máu cuống rốn trong tiên lượng bệnh nặng ở trẻ sơ sinh đẻ non.
Các tác giả thực hiện nghiên cứu mô tả và theo dõi dọc có so sánh nhóm chứng. Đối tượng nghiên cứu bao gồm các trẻ sơ sinh đẻ non < 37 tuần và được làm xét nghiệm công thức máu cuống rốn ngay sau sinh tại Khoa Sản - Nhi sơ sinh, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế từ tháng 04/2021 đến 07/2023. Nhóm bệnh (non tháng bệnh lý) bao gồm 38 trẻ có mắc bệnh lý trong giai đoạn sơ sinh sớm và được điều trị tại Nhi sơ sinh. Nhóm chứng (non tháng bình thường) bao gồm 33 trẻ không mắc bệnh lý trong giai đoạn sơ sinh sớm và được nằm cùng mẹ tại khoa Sản. Qua thăm khám lâm sàng, theo dõi trong giai đoạn sơ sinh sớm và so sánh số lượng tiểu cầu máu cuống rốn của hai nhóm.
Kết quả cho thấy: Nghiên cứu ghi nhận số lượng tiểu cầu của nhóm trẻ có cân nặng < 2500 g thấp hơn nhóm trẻ có cân nặng ≥ 2500 g lần lượt là 129.000/mm3 và 189.500/mm3 (p < 0,05); Chưa thấy sự khác biệt của số lượng tiểu cầu máu cuống rốn về các yếu tố như giới tính, phương pháp sinh, tuổi thai. Số lượng tiểu cầu máu cuống rốn của nhóm trẻ sơ sinh non tháng bệnh lý thấp hơn nhóm non tháng bình thường với số lượng lần lượt là 115.500/mm3 và 222.400/mm3 (p < 0,05); số lượng tiểu cầu máu cuống rốn giảm < 150.000/mm3 có nguy cơ mắc bệnh lý cao gấp 3,94 lần so với những trẻ có tiểu cầu ≥ 150.000/mm3 (p < 0,05).
Kết luận: Trẻ sơ sinh non tháng bệnh lý có số lượng tiểu cầu máu cuống rốn thấp hơn nhóm non tháng bình thường. Tiểu cầu máu cuống rốn được xem là một yếu tố tiên lượng bệnh nặng ở trẻ sơ sinh đẻ non. Đây là một xét nghiệm đơn giản, có thể áp dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế. |