Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (22/03/2025) ]
Canh tác lúa giảm phát thải, chi phí giảm 4 triệu đồng/ha
Cánh đồng 50ha tham gia thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Hợp tác xã Tân Thuận giảm được chi phí sản xuất hơn 200 triệu đồng.

Chi phí giảm 4 triệu đồng/ha

Tại xã Mỹ Thuận (huyện Hòn Đất, Kiên Giang), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phối hợp với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) vừa tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình thí điểm tham gia “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại huyện Hòn Đất.

Mô hình thí điểm được thực hiện trên diện tích 50ha tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận (xã Mỹ Thuận) trong vụ đông xuân 2024 - 2025, sử dụng giống lúa ĐS1, gieo sạ bằng máy với lượng giống 70kg/ha, áp dụng phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ.

Ông Trương Chính Linh, thành viên Hợp tác xã tham gia mô hình thí điểm chia sẻ, so với biện pháp sản xuất lúa truyền thống, sản xuất theo quy chuẩn lúa chất lượng cao mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Nông dân gieo sạ đồng loạt và sử dụng một loại giống, gieo sạ thưa nên lúa ít bị sâu bệnh gây hại. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thường xuyên, xử lý những vấn đề phát sinh kịp thời, hướng dẫn ứng dụng các thiết bị công nghệ vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, cánh đồng thí điểm áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến nên lúa phát triển tốt, khoảng 1 tuần nữa sẽ thu hoạch, năng suất dự kiến khoảng 9,5 tấn/ha. Theo ông Tuấn, nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, ruộng tham gia mô hình ít bị sâu bệnh, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật so với ruộng đối chứng nên chi phí thấp hơn khoảng 4 triệu đồng/ha.

Lợi ích cả kinh tế và môi trường

Ông Dương Huy Bình, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hòn Đất cho biết, mô hình thí điểm áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như "1 phải 5 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Nông dân không phun thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày sau khi sạ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng", không phun thuốc định kỳ. Khuyến khích nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giảm độc hại môi trường và duy trì đa dạng sinh học trên đồng ruộng.

Sản phẩm lúa hàng hóa sau thu hoạch đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng phục vụ cho mục đích khác có hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên theo ông Bình, để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nông dân hiểu rõ những lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ khi thực hiện mô hình. Đồng thời, cần có sự đồng hành mạnh mẽ của doanh nghiệp trong liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo tính bền vững. ​

Đ.T.Chánh
Theo https://nongnghiep.vn(ntdinh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->