Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (22/03/2025) ]
Hội chứng burn out ở giới trẻ
Chúng ta là những người bận rộn – làm việc trong nhiều giờ, liên tục phải trả lời email và tiếp xúc với nhiều phương tiện truyền thông xã hội. Hơn cả, lúc nào mọi người cũng phải cố gắng để cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Vì thế, gần như ai trong chúng ta cũng có một lần trải qua hội chứng ‘cháy sạch’ (burnout syndrome).

Theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO, Burn out (kiệt sức) là hội chứng do căng thẳng kéo dài mà không vượt qua được ở nơi làm việc. Thuật ngữ này chỉ sử dụng ở môi trường công sở và không dùng trong các lĩnh vực khác. Hội chứng ‘cháy sạch’ xảy ra khi một người cảm thấy bị mất năng lượng, chịu áp lực, quá tài và không thể đáp ứng được kỳ vọng của cấp trên. Nếu tình trạng này kéo dài không chỉ khiến người đó mất sự hứng thú với công việc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Người bị Burn out sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán chường, chẳng buồn ăn uống hay vui chơi, giải trí. Những người mắc phải hội chứng này thường khá trẻ, trước đó không đau bệnh gì nghiêm trọng. Bỗng nhiên một ngày, người đó trở nên mệt mỏi dù chưa làm việc bao nhiêu, chán nản không có lý do, thậm chí không thể tập trung tư tưởng đến độ đãng trí như người mất hồn.

Burn out kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp, các mối quan hệ xã hội mà còn làm suy giảm thể chất và tinh thần của bạn. Cụ thể: Burn out không được kiểm soát sớm, bạn có thể bị trầm cảm, lo âu và không màng đến cuộc sống. Về mặt thể chất, Burn out có thể khiến bạn tăng cân, đau đầu, tăng cholesterol, nguy cơ mắc bệnh lý (bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đau cơ khớp, bệnh hô hấp,...). Tại nơi làm việc, tình trạng Burn out kéo dài có thể khiến bạn phải nghỉ phép thường xuyên, không hoàn thành hoặc trễ deadline công việc được giao. Điều này sẽ làm công việc của bạn gặp nhiều khó khăn và áp lực hơn.

Để thoát khỏi hội chứng Burn out, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:

Chấp nhận bản thân đang gặp hội chứng Burn out

Bước đầu tiên để vượt qua Burn out, bạn cần thừa nhận bản thân đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Việc này giúp bạn biết mình đang Burn out ở giai đoạn nào, nguyên nhân gây ra hội chứng là gì. Từ đó, bạn có thể áp dụng phương pháp thoát Burn out phù hợp, nhanh chóng lấy lại tinh thần để làm việc hiệu quả.

Làm công việc mình yêu thích

Nếu ‘rơi’ vào Burn out do công việc quá áp lực hoặc đơn điệu thì bạn nên cân nhắc thay đổi việc làm. Bạn nên tìm một công việc đúng sở thích, phù hợp với sở trường của mình. Ngoài ra, khi cảm thấy mệt mỏi vì công việc bạn có thể tìm đến những điều mình thích như nghe nhạc, vẽ tranh, du lịch,... Cách này giúp bạn tạo được niềm vui trong cuộc sống, từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần hiệu quả.

Giữ thái độ tích cực trong công việc

Giữ tinh thần tích cực, lạc quan là cách cải thiện tình trạng Burn out một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bởi vì khi có thái độ tích cực bạn sẽ tập trung vào những điều tốt đẹp. Điều này tạo ra động lực giúp bạn giải quyết vấn đề thuận lợi. Hơn nữa, khi tinh thần tích cực bạn có thể đưa ra các ý tưởng sáng tạo, giúp công việc trở nên thú vị từ đó giảm sự nhàm chán.

Nghỉ ngơi hợp lý trong một ngày làm việc

Khi bạn cảm thấy căng thẳng quá sức, bạn hãy dừng lại và hít một hơi thật sâu. Nếu có thể, bạn hãy thư giãn cổ và vai bằng những động tác giãn cơ đơn giản. Khi cơ thể bạn thoải mái, những cảm xúc tiêu cực cũng sẽ biến mất. Nếu làm việc ở văn phòng, bạn hãy chú ý đến tư thế, nhịp thở và bất kì căng thẳng nào ở phần trên cơ thể. Những điều này có thể ngăn ngừa những hiểm họa lâu dài về cả thế chất lẫn tinh thần. Bạn cũng nên tạo thói quen không nhìn liên tục vào máy tính, thỉnh thoảng hãy nhìn xung quanh để thư giãn đôi mắt. Bạn hãy đứng dậy, đi lại xung quanh bàn làm việc, tránh ngồi lâu một chỗ. Ngoài ra, bạn đừng ăn trưa ngay tại bàn làm việc mà hãy ra ngoài để hít thở không khí và nạp năng lượng cho cơ thể nhé.

Xây dựng kế hoạch làm việc khoa học

Để cải thiện các dấu hiệu Burn out, bạn cần lập kế hoạch làm việc một cách khoa học. Việc này giúp bạn sắp xếp thời gian làm việc một cách hiệu quả, hạn chế áp lực vì phải hoàn thành nhiều việc trong thời gian ngắn. Hơn nữa, khi hoàn thành công việc theo kế hoạch bạn sẽ cảm thấy tự tin và thích thú vì đã đặt được mục tiêu. Từ đó, tình trạng căng thẳng và áp lực trong công việc sẽ thuyên giảm đáng kể.

Chia sẻ áp lực với bạn bè, người thân

Khi bị áp lực trong công việc, bạn nên chia sẻ với bạn bè hoặc người thân. Việc này giúp bạn có thể giải bày cảm xúc, từ đó không còn cảm thấy cô đơn và thoải mái hơn khi làm việc. Đồng thời, mọi người có thể đưa ra lời khuyên hữu ích giúp bạn giải quyết những khó khăn một cách dễ dàng hơn.

Có thể thấy, việc mong muốn đạt được những mục tiêu của chính mình hay đặt áp lực lên bản thân không phải là xấu, nhưng bản thân mỗi bạn trẻ nói chung và những người đang gặp phải hội chứng “cháy sạch” nói riêng cần học cách đặt mục tiêu sao cho thực tế. Hơn thế, quan trọng nhất là đặt sức khỏe và hạnh phúc đích thực lên làm mục tiêu hàng đầu. Chỉ khi xác định được đúng mục tiêu, họ mới có thể tìm lại được ngọn lửa đam mê của mình, để một lần nữa tiếp tục cố gắng phát triển vươn tới mục tiêu đề ra.

ltnanh
Theo https://motcuocsong.vn
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->