Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (09/06/2024) ]
Xác định sự lưu hành của porcine adenovirus (padv) trên đàn lợn nuôi tại một số tỉnh miền bắc Việt Nam
Nghiên cứu: “Xác định sự lưu hành của porcine adenovirus (padv) trên đàn lợn nuôi tại một số tỉnh miền bắc Việt Nam” do nhóm tác giả: Lê Văn Trường, Huỳnh Thị Mỹ Lệ, Đặng Hữu Anh, Nguyễn Văn Giáp, Mai Thị Ngân, Võ Văn Hiếu, Trịnh Hương Ly, Lê Văn Phan - Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Porcine adenovirus (PAdV) lần đầu tiên được phân lập từ lợn ở Anh vào năm 1964 (Haig & cs., 1964). Kể từ đó, sự hiện diện của PAdV ở lợn đã được chứng minh hầu như trên toàn thế giới bằng cách phân lập virus và khảo sát huyết thanh học (Derbyshire, 1989). Adenovirus (AdV) ở lợn được xếp vào giống Mastadenovirus, họ Adenoviridae. Họ Adenovirus gần đây đã được chia thành bốn chi, Mastadeno, Atadeno, Aviadeno và Siadenovirus (Pringle, 1998; Van Regenmortel & cs., 2000; Buchen-Osmond, 2003). Mastadenovirus chỉ lây nhiễm cho động vật có vú và Aviadenovirus chỉ lây nhiễm cho các loài gia cầm. Tuy nhiên, các thành viên cụ thể của chi thứ ba và thứ tư đã được chứng minh là có thể lây nhiễm sang động vật có vú, chim, lưỡng cư hoặc bò sát. Có ba loài Adenovirus (AdVs) gây bệnh cho lợn là A, B và C, trong đó bằng phản ứng trung hòa, người ta đã xác định được có 6 serotypes (Garwes & Xuan, 1989; Kleiboeker, 1994; Nagy & cs., 2001; Reddy & cs., 1996; Reddy & cs., 1998). PAdV có hình cầu, không có vỏ bọc, chứa bộ gen ADN sợi kép có kích thước xấp xỉ 34kbp (Van Regenmortel & cs., 2000). Triệu chứng lâm sàng luôn gặp trong bệnh do AdVs gây ra ở lợn con là hiện tượng tiêu chảy, phân nhiều nước, nhão (Sanford & cs., 1983) trong thời gian ngắn mà không có dấu hiệu lâm sàng nào khác liên quan đến nhiễm trùng hoặc có triệu chứng hô hấp (Hirahara & cs., 1990). Đáng chú ý, PAdV cũng đã được phân lập từ những con lợn khỏe mạnh không mắc bệnh lâm sàng (Derbyshire & cs., 1966; Mahnel & Bibrack, 1966; Rasmussen, 1969). Bệnh tiêu chảy ở lợn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, hiện nay người ta đã phát hiện ra nhiều virus khác nhau gây ra tiêu ch ảy cho lợn như PEDV, Deltacoronavirus, virus Dịch tả lợn... Tuy nhiên, những nghiên cứu xác định sự có mặt của Porcine adenovirus và đặc điểm dịch tễ học phân tử của các chủng PAdV gây tiêu chảy ở lợn nuôi tại Việt Nam vẫn chưa báo cáo nào đề cập đến. Vì vậy việc tiến hành nghiên cứu xác định sự có mặt của Porcine adenovirus (PAdV) ở lợn nuôi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam là cần thiết. Các kết quả nghiên cứu của đề tài này nhằm mục đích phát hiện sự có mặt của PAdV trong các mẫu nghiên cứu, đồng thời đây sẽ là cơ sở khoa học quan trọng trong việc xác định sự lưu hành, định hướng chọn chủng virus cho các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo về PAdV ở lợn, để từ đó có chiến lược phòng chống dịch bệnh tiêu chảy do virus ở lợn lâu dài tại Việt Nam.

Porcine adenovirus (PAdV) là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng tiêu chảy ở lợn con từ 1 đến 4 tuần tuổi. Có ba loài Adenovirus (AdVs) gây bệnh cho lợn là A, B và C, trong đó bằng phản ứng trung hòa, người ta đã xác định được có 6 serotypes. Nghiên cứu này nhằm xác định sự có mặt của PAdV ở lợn nuôi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Để thực hiện điều đó, 140 mẫu phân tiêu chảy của lợn con theo mẹ đã được sử dụng để chẩn đoán PAdV bằng phương pháp nested PCR. Kết quả chẩn đoán cho thấy 61/140 (43,57%) mẫu dương tính với PAdV. Trong số 14 trại kiểm tra có đến 10 (71,43%) trại dương tính với PAdV. Kết quả giải trình tự đoạn gen hexon của PAdV cho thấy các chủng PAdV trong nghiên cứu này đều thuộc PAdV serotype 3, loài Adenovirus A, chi Mastadenovirus.

Kết quả chẩn đoán bằng phương pháp nested PCR cho thấy 61/140 (43,57%) mẫu dương tính với PAdV. Trong số 14 trại nghiên cứu có đến 10/14 (71,43%) dương tính với PAdV. Kết quả giải trình tự phân đoạn gen hexon của PAdV cho thấy các chủng PAdV trong nghiên cứu này đều thuộc PAdV serotype 3, loài Adenovirus A, chi Mastadenovirus. Đây là báo cáo đầu tiên tại Việt Nam về sự lưu hành của PAdV trên đàn lợn ở Việt Nam.

ntdinh
Theo Tạp chí khoa học và nông nghiệp, số 3/2024
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Một số loài có thể phù hợp với tương lai nóng hơn
Một số loài có thể có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tốt hơn so với suy nghĩ của chúng ta trước đây. Đó là bởi vì những loài này đã thay đổi rất ít kể từ thời kỳ ấm áp cuối cùng trên Trái đất.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->