Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (02/06/2024) ]
Ảnh hưởng của mật độ trồng đến sinh trưởng và năng suất của cây hướng dương
Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của mật độ trồng đến sinh trưởng và năng suất của cây hướng dương” do nhóm tác giả: Đinh Thái Hoàng, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Việt Long, Vũ Ngọc Thắng - Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Cây hướng dương (Helianthus annuus L.) là một trong tám loài cây lấy dầu quan trọng của thế giới. Ngoài ra, hướng dương còn được sử dụng như một loài cây cảnh, thực phẩm cho con người, thức ăn cho gia súc, thuốc chữa bệnh hay cải tạo đất. Hướng dương không phải cây trồng bản địa, nhưng từ lâu đã được trồng và trở nên quen thuộc với đời sống người dân Việt Nam. Gần đây, nhu cầu sử dụng hạt hướng dương làm thực phẩm, thức ăn gia súc và cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp ép dầu ngày càng tăng. Theo TRIDGE (2022), Việt Nam đứng thứ 28 trong các quốc gia nhập khẩu hướng dương hàng đầu thế giới, sản lượng hướng dương nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng, từ khoảng 2 triệu tấn vào năm 2014 đã tăng lên 19,4 triệu tấn năm 2021 với tổng giá trị nhập khẩu lên tới 30,1 triệu USD. Nhằm chủ động và giảm giá nguyên liệu, các nhà sản xuất bước đầu nhập khẩu giống và phát triển các diện tích trồng hướng dương ồ nhiều địa phương. Tuy nhiên, để đạt năng suất và chất lượng cao, ngoài nguồn giống tốt, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp kỹ thuật. Xác định mật độ trồng thích hợp là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng trong sản xuất các loài cây trồng nói chung và cây hướng dương nói riêng. Trồng dày giúp tăng số cây thu hoạch, tăng số bông trên một đơn vị diện tích qua đó tăng năng suất. Tuy nhiên, trồng quá dày dẫn tới lãng phí giống, đồng thời giảm kích thước, khốĩ lượng hạt. Trồng mật độ quá dày cũng đồng nghĩa với việc sâu bệnh gây hại với mức độ lớn hơn. Nghiên cứu về biện pháp kỹ thuật và đặc biệt là các nghiên cứu về mật độ trồng hướng dương tại Việt Nam chưa nhiều. Trần Đình Long & cs. (2004) tiến hành thí nghiệm về mật độ trồng cho giống hướng dương G101 tại phía Bắc cho biết có sự đồng biến về năng suất khi tăng mật độ từ 40.000 đến 70.000 cây/ha. Mật độ trồng trồng hợp lý cho giống G101 là 70.000 cây/ha theo khoảng cách 50 X 28cm. Cũng theo Trần Đình Long & cs. (2004), tại phía Nam, nếu trồng càng thưa, đường kính đĩa hạt và chu vi cổ thân càng lớn. Khoảng cách trồng thưa nhất (70 X 30cm) cho đường kính đĩa hạt lớn nhất, nhưng trồng dày nhất (50 X 25cm) cho kích thước đĩa hạt nhỏ nhất cho năng suất hạt cao nhất. Trong quy trình thâm canh cây hướng dương, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu khuyến cáo khoảng cách trồng cho các giống hướng dương Hysun 38, 7802-6801 và 7202-6301 là 60 X 30cm.

Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ trồng tới sinh trưỏng và năng suất hướng dương góp phần bổ sung, hoàn thiện quy trình sản xuất cho các giống hướng dương mới tại Việt Nam.

Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ trồng tới sinh trưởng và năng suất của một số giống hướng dương nhập nội trong vụ xuân năm 2021 tại Gia Lâm, Hà Nội. Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh với ba lần nhắc lại trên hai giống hướng dương Roshia và Yuyoo 3. Các công thức mật độ thí nghiệm bao gồm 83.333, 55.556 và 41.667 cây/ha. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi tăng mật độ trồng, chiều cao thân chính, chỉ số diện tích lá, năng suất lý thuyết và năng suất thực thu tăng, trong khi chu vi đĩa hạt, diện tích lá, khối lượng chất xanh, khối lượng chất khô tích lũy và năng suất cá thể có xu hướng giảm. Ở mật độ trồng 83.333 cây/ha, năng suất của hai giống hướng dương đạt cao nhất (3,94 tấn/ha với giống Roshia và 3,28 tấn/ha với giống Yuyoo 3).

Tăng mật độ trồng dẫn tới giảm chu vi đĩa hạt, diện tích lá, khối lượng chất xanh, khối lượng chất khô tích lũy và năng suất cá thể; tuy nhiên, chỉ số diện tích lá, năng suất lý thuyết và năng suất thực thu tăng. Năng suất thực thu của hai giống hướng dương thí nghiệm đạt cao nhất ở mật độ trồng 83.333 cây/ha, lần lượt đạt 3,94 (giông Roshia) và 3,28 tấn/ha (giống Yuyoo 3).

ntdinh
Theo Tạp chí khoa học và nông nghiệp, số 1/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Một số loài có thể phù hợp với tương lai nóng hơn
Một số loài có thể có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tốt hơn so với suy nghĩ của chúng ta trước đây. Đó là bởi vì những loài này đã thay đổi rất ít kể từ thời kỳ ấm áp cuối cùng trên Trái đất.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->