Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (02/05/2024) ]
Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái nhằm hạn chế và ứng phó với biến đổi khí hậu
Để giảm thiểu tối đa tác động của biến đổi khí hậu, ngành du lịch cần chú trọng đến công tác duy tu, bảo tồn tài nguyên du lịch, chủ động tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp và du khách.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của Việt Nam

“Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”(Định nghĩa về DLST ở Việt Nam).

Du lịch sinh thái được xem như một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới sự phát triển bền vững thông qua quá trình làm giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên, phục vụ nhu cầu của du khách, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái.

Tài nguyên du lịch sinh thái chính là các giá trị tự nhiên thể hiện trong một hệ sinh thái cụ thể và các giá trị văn hóa bản địa tồn tại và phát triển không tách rời hệ sinh thái tự nhiên đó.

Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái đặc sắc và đa dạng.

- Hệ thực vật Việt Nam có mức độ đặc hữu cao, số loài đặc hữu như: Gõ đỏ, gụ mật, ba kích, hoàng đàn, cẩm lai, pơ mu... chiếm khoảng 40% số loài thực vật của toàn quốc. Phần lớn số loài đặc hữu này tập trung ở bốn khu vực chính: khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn ở phía Bắc, khu vực rừng nhiệt đới ẩm ở Bắc Trung Bộ, khu vực núi cao Ngọc Linh ở miền Trung và khu vực cao nguyên Lang Biang ở Nam Bộ.

- Hệ động vật cũng có nhiều loài đặc hữu bao gồm hơn 100 loài và phân loài chim, khoảng 80 loài và phân loài thú, trong đó có rất nhiều loài đặc trưng nhiệt đới có giá trị bảo tồn như: Cheo, đồi, chồn bay, cầy mực, culi, vượn, tê tê, voi, bò xám...

- Ngoài ra, Việt Nam còn là một trung tâm của cây trồng nhân tạo với hơn 200 loài cây trồng. Đây là tiền đề cho tổ chức du lịch sinh thái canh nông.

Việt Nam có các hệ sinh thái đặc trưng như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái đất ngập nước; hệ sinh thái vùng cát ven biển và hệ sinh thái rừng nhiệt đới


Việt Nam còn có nhiều tiềm năng nhân văn đa dạng và phong phú cho phát triển du lịch sinh thái.

Trong số khoảng 40.000 di tích hiện có thì hơn 2.500 di tích được Nhà nước chính thức xếp hạng.

Ngoài ra còn có nhiều nghề thủ công truyền thống và nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực đã tạo cho Việt Nam sức hấp dẫn về du lịch.

Mặc dù, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhưng sự phát triển du lịch sinh thái ở nước ta mới ở giai đoạn khởi đầu, còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Tuy nhiên, để khai thác những tiềm năng trên phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái một cách hiệu quả mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái đòi hỏi rất nhiều yếu tố khi mà phát triển du lịch có tác động lớn đến môi trường tự nhiên.

Tác động của biến đổi khí hậu đến du lịch sinh thái

Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Theo đánh giá hằng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoạn giai đoạn 1997-2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn (CRI).

Thời tiết, khí hậu ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường thể hiện qua các biểu hiện dị thường của các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Việt Nam cũng đang chịu tác động nặng nề từ biển đổi khí hậu, nhiều điểm du lịch có nguy cơ biến mất do mưa lũ và thời tiết cực đoan. Trong diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF-26) đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu. Du lịch là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu bởi hầu hết hoạt động khai thác du lịch của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

Theo viện nghiên cứu phát triển du lịch, biến đổi khi hậu tác động trực tiếp đến cơ sở hạ tầng du lịch, hoạt động lữ hành và đặc biệt là tài nguyên du lịch, yếu tố nền tảng cho phát triển du lịch.

Giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái nhằm hạn chế và ứng phó với biến đôi khí hậu

-  Giải pháp về cơ chế chính sách:

Để phát triển du lịch theo hưởng thân thiện với môi trưởng thì việc tạo cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái bền vững là rất quan trọng. Điều này tạo ra một hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch sinh thái nhằm làm cơ sở cho việc giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch và quản lý nguồn tài nguyên.

Cần đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái rộng rãi trên nhiều vùng miền của đất nước. Cần có những quy hoạch hợp lý, chính sách và dự án tối ưu trong phát triển du lịch nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường, trong đó gồm cả môi trường du lịch tự nhiên, môi trường du lịch nhân văn, môi trường du lịch kinh tế - xã hội.

-  Giải pháp về thị trường:

Cần đầu tư thoả đáng vào việc quảng bá DLST, góp phần tạo thị trường cho loại hình du lịch này cần đầu tư cho những nghiên cứu về đề tài DLST nhằm qua đó nắm bắt được yếu tố "cầu" của du khách, từ đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến du lịch, lập được các kế hoạch phát triển một cách bền vững, mang lại hiệu quả cao cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Nhà nước tạo điều kiện cho các công ty du lịch đi tham quan nước ngoài và quan hệ hợp tác với các công ty du lịch quốc tế để giới thiệu DLST Việt Nam đến các nước trên thế giới nhằm thu hút du khách nước ngoài ngày càng đông hơn.

-  Giải pháp về quy hoạch:

Xây dựng quy hoạch là để phát triển một chương trình hành động của loại hình du lịch sinh thái thông qua việc cấp kinh phí và đề ra các vấn đề cần được ưu tiên.

Quy hoạch DLST do Nhà nước hoặc Tổng cục Du lịch Việt Nam thực hiện, bao gồm việc khoanh vùng sử dụng đất thích hợp, việc chỉ định các vùng dành cho DLST đồng thời soạn thảo một qui tắc về đạo đức DLST. Các vùng được chỉ định dành cho phát triển DLST đòi hỏi phải có kế hoạch quản lí và có sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển các kế hoạch là quan trọng.

Cần đưa ra những quy hoạch chi tiết, cụ thể để phát triển DLST ở các KBTTN, các khu di sản văn hóa thế giỏi... làm cơ sở cho các dự án đầu tư, thu hút đầu tư DLST từ nước ngoài. Đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho các khu DLST đó.

Nhà nước và Tổng cục Du lịch cần có sự tham gia vào các khu DLST để xây dựng và thực thi các nguyên tắc chỉ đạo nhằm đảm bảo tính bền vững.

- Giải pháp về đào tạo:

Hiện nay, tại các khu du lịch sinh thái ở Việt Nam đội ngũ lao động chuyên nghiệp có năng lực chưa nhiều. Những người lao động thời vụ tại các khu du lịch này có ưu thế là người địa phương, nhưng hoàn toàn thiếu kiến thức về nghiệp vụ du lịch. Do đó, ngành du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái cần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch sinh thái đáp ứng tiêu chí vừa đảm bảo đủ số lượng, vừa có chất lượng chuyên môn cao.

Việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nói chung và cho phát triển du lịch sinh thái nói riêng cần hưởng cụ thể vào những nội dung sau:

Một là, cần tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý và văn hóa giao tiếp kinh doanh du lịch cho tất cả đội ngũ lao động đang làm việc tại các khu du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch. Điều này đặc biệt cần thiết với những người làm nhiệm vụ quản lý từ bộ phận lên tới chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành, giám đốc kinh doanh...

Hai là, cần thực hiện đào tạo tại chỗ và đào tạo lại về nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch. Các lớp này cần được tổ chức linh hoạt để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ. Nội dung bởi dưỡng phải thiết thực và cập nhật cà kỹ năng nghiệp vụ, trang thiết bị phù hợp với từng vùng. Riêng đào tạo ngoại ngữ, các cơ sở kinh doanh du lịch phải hưởng tới việc đào tạo và sử dụng nhân lực lâu dài để có kể hoạch đầu tư và cho cá nhân tự đầu tư thời gian học ngoại ngữ, không thể chỉ quan niệm chưa có khách quốc tế mà coi thường vốn ngoại ngữ.

Ba là, bên cạnh việc đào tạo nghiệp vụ ngoại ngữ, cần chú ý đến cung cấp kiến thức về môi trường sinh thái như: cảnh quan tự nhiên, các giá trị du lịch sinh thái, hiểm họa môi trường sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, xã hội hóa du lịch... Các kiến thức về nhu cầu, sở thích, thói quen, tập quán giao tiếp ứng xử của khách du lịch cuối tuần (cả khách quốc tế và khách nội địa) khi chọn các điểm du lịch sinh thái làm nơi đến cũng cần được trang bị cho người làm dịch vụ, kinh doanh du lịch nơi đây. Từ đó, các khu du lịch, các cơ sở du lịch sinh thái sẽ được khuyến khích khả năng sáng tạo, cho ra đời những dịch vụ du lịch phù hợp nhất với khách du lịch sinh thái - cuối tuần, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương.

Bốn là, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho những lao động thời vụ vốn là dân cư địa phương. Vì đây là lực lượng không thuần nhất, không có kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn. Họ được tham gia vào phục vụ trong một số công việc lao động đơn giản phụ trợ cho các hoạt động tham quan, tâm linh, nghỉ dưỡng. Tất cả họ cần phải được trang bị kiến thức cơ bản vễ giao tiếp ứng xử, kỹ năng bán hàng, vệ sinh môi trường, tiếp thị du lịch...

Có như vậy, du lịch sinh thái mới phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

- Giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng:

Các con đường vào các khu DLST rất khó đi lại, hẻo lánh. Do vậy, cần đầu tư nâng cấp đường sá khang trang, sạch sẽ, các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đầy đủ, trang bị tiện nghi, hiện đại để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Nhà nước nên ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục còn lại ở các khu bảo tồn thiên nhiên đã kí quyết định, ví dụ như vườn quốc gia Bạch Mã, Phú Quốc...

Xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và cần có những cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi, phục vụ khách tham quan du lịch, tạo hấp dẫn, thu hút khách đặc biệt bằng những đặc thù của địa phương.

- Giải pháp về xã hội:

Cần giáo dục về môi trường cho người dân để nâng cao nhận thức của họ về tầm quan trọng của sinh thái và môi trường. Cần cho họ hiểu rằng mất đi tài nguyên rừng là một thiệt thòi không thể tinh bằng tiền và nó còn gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt cho môi trường sống của chính chúng ta, bởi vai trò của rừng là rất lớn. Từ đó họ sẽ có ý thức hơn trong việc tự giác bảo vệ tài nguyên rừng. Giáo dục họ rằng khi tham quan các khu DLST họ không tránh gây ra những điều đáng tiếc. - Cần có bảng hướng dẫn và nội qui về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho du khách tại các khu DLST. - Khuyến khích mọi người, nhất là nhân dân địa phương tham gia vào công tác quản lí các khu DLST.

Thực hiện nghiêm túc các quyết định, luật lệ về chặt cây, phá rừng, săn thú quí hiếm mỗi khi có vi phạm.

Những ảnh hưởng của BĐKH đối với ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái đang báo hiệu một thách thức lớn cho Việt Nam. Để hạn chế và ứng phó với BĐKH, cần phát triển du lịch theo hướng bền vững bằng việc triển khai những loại hình du lịch thân thiện với môi trường đặc biệt là du lịch sinh thái. Bên cạnh đó muốn đẩy mạnh phát triển DLST ở Việt Nam nhằm hạn chế và ứng phó với BĐKH cần có những giải pháp phù hợp, đồng bộ về chính sách, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực , thay thế, đầu tư các trang thiết bị thích hợp (ví dụ như lắp đặt các hệ thống điều hòa nóng - lạnh khi nhiệt độ thay đổi...) hoặc đa dạng hóa các hoạt động du lịch để tạo tính linh hoạt khi xảy ra hiện tượng thay đổi khí hậu đột ngột.

lttsuong
Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Sao Đỏ, Số 3 (82) 2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Một số loài có thể phù hợp với tương lai nóng hơn
Một số loài có thể có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tốt hơn so với suy nghĩ của chúng ta trước đây. Đó là bởi vì những loài này đã thay đổi rất ít kể từ thời kỳ ấm áp cuối cùng trên Trái đất.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->