Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Tỉ lệ nhiễm helicobacter pylori trên bệnh nhân xét nghiệm hơi thở với urê gắn 14c tại bệnh viện trường Đại học Trà Vinh
Nghiên cứu mô tả tỉ lệ nhiễm Helicobacter pylori (HP) ở các bệnh nhân có thực hiện xét nghiệm hơi thở gắn urê 14C tại Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh và mối liên quan giữa nhiễm HP với các yếu tố: giới tính, tuổi và nơi cư trú của bệnh nhân.

Vi khuẩn HP là một trong những vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa phổ biến nhất hiện nay. Nó có thể tấn công dạ dày, gây viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư biểu mô tuyến dạ dày và u lympho dạ dày mức độ thấp. Những người nhiễm HP sẽ có nguy cơ bị viêm loét dạ dày – tá tràng cao hơn từ 3 đến 6 lần so với những người không nhiễm. Tuy nhiên, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm vùng địa lí, điều kiện kinh tế – xã hội, thói quen ăn uống và sinh hoạt của người dân.

Các phương pháp để chẩn đoán nhiễm HP rất đa dạng, bao gồm các xét nghiệm xâm lấn như nội soi và sinh thiết kết hợp thực hiện xét nghiệm urease nhanh, các xét nghiệm không xâm lấn như xét nghiệm hơi thở với urê gắn 14C, xét nghiệm phân tìm kháng nguyên, xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng. Phương pháp nội soi kết hợp xét nghiệm urease nhanh cho phép bác sĩ quan sát tình trạng bên trong của dạ dày, trong khi các xét nghiệm hơi thở và xét nghiệm kháng nguyên trong phân được đánh giá tin cậy và có độ nhạy cao. Tuy nhiên, xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể ít được sử dụng do kết quả không xác định được giai đoạn nhiễm HP của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh, phương pháp xét nghiệm hơi thở với urê gắn 14C được sử dụng để chẩn đoán cho bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng và đánh giá kết quả sau điều trị. Phương pháp này có độ nhạy 96,6% và độ đặc hiệu 100%, giá trị tiên đoán dương 100%, giá trị tiên đoán âm 93,7%, độ chính xác 97,7%.

Năm 2016, Nguyễn Thị Ánh Xuân đã tiến hành nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ học liên quan đến nhiễm HP ở trẻ em và thành viên trong các hộ gia đình thuộc dân tộc Thái tại tỉnh Điện Biên và dân tộc Khmer tại tỉnh Trà Vinh. Kết quả cho thấy, tỉ lệ nhiễm HP ở trẻ em trong cộng đồng người Thái ở tỉnh Điện Biên là 42,8% và người Khmer tại tỉnh Trà Vinh chiếm 32,1%, không có sự khác biệt về tỉ lệ nhiễm giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vấn đề nhiễm HP còn nhiều khía cạnh cần được làm rõ, đặc biệt là liên quan đến lây nhiễm, kiểm soát lây nhiễm và dịch tễ học nhiễm của từng vùng, khu vực và phương thức kiểm soát. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh nhằm xác định tỉ lệ nhiễm HP trên các bệnh nhân được xét nghiệm urê hơi thở 14C, cũng như tìm hiểu mối liên quan giữa nhiễm HP và các yếu tố như giới tính, tuổi và nơi cư trú.

Tỉ lệ nhiễm HP ở các nước đang phát triển cao hơn so với các nước phát triển, với tỉ lệ trung bình dao động từ 50 – 90%. Ở Việt Nam, theo một số nghiên cứu gần đây, tỉ lệ nhiễm HP dao động từ 24,6% đến 50%.

Cụ thể, trong năm 2019, Phan Tấn Tài và Nguyễn Chí Hùng đã thực hiện nghiên cứu cắt ngang trên tất cả các bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Phú Tân có triệu chứng đau dạ dày – tá tràng và phát hiện tỉ lệ nhiễm HP trên bệnh nhân này là 24,6%. Tỉ lệ này trong các trường hợp viêm đau dạ dày – tá tràng là 23,1% và trong trường hợp loét đau dạ dày – tá tràng là 29,9%. Cùng năm, Trần Đức Long và Nguyễn Trung Kiên đã nghiên cứu tỉ lệ nhiễm HP ở 60 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi bị viêm và loét đau dạ dày – tá tràng tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Kết quả cho thấy, tỉ lệ nhiễm HP ở trẻ em có viêm loét đau dạ dày – tá tràng là 36,7% và triệu chứng đau bụng là phổ biến nhất (91,7%). Đối với các đối tượng có các triệu chứng khác như nóng rát vùng thượng vị, ợ chua, tỉ lệ nhiễm HP cao hơn lần lượt là 4,5 lần và 3,3 lần. Trong khi đó, tỉ lệ nhiễm HP ở nhóm có tổn thương dạ dày kèm sung huyết thấp hơn nhóm còn lại 6,8 lần. Năm 2020, Nguyễn Thị Ngọc Huyền [8] báo cáo tỉ lệ nhiễm HP ở 272 bệnh nhân đến nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng tại Bệnh viện Đại học Y Thái Bình xác định tỉ lệ nhiễm HP là 40,8%, tỉ lệ này cao hơn các nghiên cứu liên quan.

Bên cạnh việc xác định tỉ lệ nhiễm, các nghiên cứu cũng khảo sát các đặc điểm liên quan như tuổi, giới tính. Kết quả cho thấy, tỉ lệ nhiễm HP ở nữ giới cao hơn nam giới. Tuy nhiên, kết quả này chưa phù hợp với cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày – tá tràng do có nhiều yếu tố phối hợp như nội tiết, tâm lí, sinh lí, lối sống và hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho kết quả ngược lại, tỉ lệ nhiễm HP ở nam cao hơn ở nữ. Do đó, các tác giả kiến nghị thực hiện thêm các nghiên cứu liên quan làm rõ hơn vấn đề này.

Ở Việt Nam, nhiễm HP là vấn đề được các nhà khoa học quan tâm vì tỉ lệ này khác nhau trên các nhóm đối tượng có đặc điểm kinh tế, xã hội và lối sống khác nhau. Bên cạnh đó, do sự khác nhau về phong tục tập quán, đặc biệt trong thói quen ăn uống ở mỗi địa phương nên nguy cơ tiềm ẩn về tỉ lệ nhiễm HP cũng khác nhau. Vì vậy, nguyên nhân nhiễm HP ở các địa phương cũng cần được điều tra làm rõ nhằm đề ra những biện pháp tuyên truyền, dự phòng, góp phần làm giảm tỉ lệ nhiễm HP trên bệnh nhân và cộng đồng.

Đối tượng nghiên cứu: Tất cả bệnh nhân đến khám và có thực hiện xét nghiệm hơi thở với urê gắn 14C tại Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2022.


Tỉ lệ nhiễm HP theo nhóm tuổi và theo nơi cư trú

Tỉ lệ nhiễm HP chung trên bệnh nhân thực hiện xét nghiệm hơi thở với urê gắn 14C tại Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh là 29,9%. Tỉ lệ nhiễm HP ở nhóm > 60 tuổi là cao nhất, tỉ lệ nhiễm ở nam cao hơn nữ và không có mối liên hệ giữa nhiễm HP với giới tính (p = 0,803), với các nhóm tuổi (p = 0,702) và nơi cư trú (p = 0,760).

lttsuong
Theo Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Trà Vinh, Tập 13, Số Chuyên Đề (2023)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Một số loài có thể phù hợp với tương lai nóng hơn
Một số loài có thể có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tốt hơn so với suy nghĩ của chúng ta trước đây. Đó là bởi vì những loài này đã thay đổi rất ít kể từ thời kỳ ấm áp cuối cùng trên Trái đất.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->