Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên (QLTN), bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), lý thuyết về quản lý môi trường và kinh nghiệm thực tiễn tại nhiều quốc gia đều chỉ ra rằng Nhà nước không thể có đủ nguồn lực và đặc biệt là không đủ thông tin cần thiết để dẫn dắt tất cả các bên liên quan thực hiện các quyết định phù hợp và hiệu quả. Vì thế, đẩy mạnh cách tiếp cận thị trường, từ đó giảm gánh nặng can thiệp của Nhà nước, huy động các nguồn lực khác, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả của công tác QLTN, BVMT, cũng như ứng phó với BĐKH, đang là xu hướng chung trên thế giới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc phó mặc hoàn toàn cho cơ chế thị trường tự do điều tiết các hoạt động QLTN, BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu (ƯPBĐKH) cũng sẽ không dẫn tới hiệu quả tối ưu. Chất lượng môi trường là hàng hóa công cộng và các vấn đề về quyền sở hữu, vấn đề ngoại ứng sẽ dẫn tới thất bại thị trường, khi đó cần có sự can thiệp của Nhà nước. Vì thế, các cách tiếp cận quản lý được cho là phù hợp trên thế giới hiện nay thường phải giữ cân bằng giữa các giải pháp dựa vào thị trường và các can thiệp của Nhà nước.
Theo đó, cách tiếp cận thị trường MBA, các chủ thể thị trường như doanh nghiệp và tổ chức có tư cách pháp nhân được tự do tham gia kinh doanh và cung cấp các dịch vụ liên quan tới QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH, theo quy luật cung - cầu của thị trường, cách tiếp cận MBA còn khuyến khích các hành vi thông qua các tín hiệu thị trường hơn là các hướng dẫn, chỉ thị của Nhà nước. Các giải pháp dựa vào thị trường (Market-Based Solutions) cho phép huy động được nguồn lực của toàn xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách và bộ máy điều hành của Nhà nước trong việc QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH. Có thể chia các giải pháp dựa vào thị trường thành 4 nhóm chính: Chi trả ô nhiễm (VD: Thuế và phí xả thải, đặt cọc-hoàn trả, ký quỹ môi trường), chuyển nhượng quyền phát thải, trợ cấp và giảm các hàng rào thị trường nhằm tạo cơ hội để các thị trường mới được hình thành. Năm điều kiện cần là: (i) Xác định rõ ràng các quyền sở hữu và bảo vệ chắc chắn các quyền sở hữu đó bởi pháp luật; (ii) Đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp; (iii) Khuyến khích hình thành các thị trường mới; (iv) Xây dựng tòa án với mức độ độc lập tư pháp cao, giải quyết tranh chấp hiệu quả; và (v) Hoàn thiện các biện pháp quản lý của Nhà nước, đặc biệt là các công cụ kinh tế và công cụ luật pháp.
Một cách tiếp cận truyền thống, là cách tiếp cận điều hành và kiểm soát - CAC, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện các chiến lược kiểm soát ô nhiễm tương tự nhau, bất kể các chi phí liên quan. Các doanh nghiệp sẽ được thông báo về mức chuẩn thải cho phép, các kỹ thuật cần áp dụng và các quy trình sản xuất cần tuân thủ. Tuy nhiên, việc yêu cầu các doanh nghiệp, với các đặc điểm tổ chức và năng lực khác nhau, thực hiện chung một kỹ thuật hoặc quy trình như vậy sẽ tốn kém và không hiệu quả về kinh tế đối với hầu hết các doanh nghiệp. Ngoài ra, cách làm này thường không tạo được động lực khuyến khích doanh nghiệp chủ động giảm thải thấp hơn mức chuẩn, tạo tâm lý bị động, đối phó đối với các tiêu chuẩn môi trường, vì tốn kém nên dễ gây nảy sinh tâm lý xả thải trộm, trốn tránh trách nghiệm môi trường. Chi phí của việc xác định, cũng như thay đổi mức chuẩn thải cho phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội và chi phí giám sát các doanh nghiệp là những gánh nặng rất lớn cho các nhà quản lý.

Tổng quan về các cơ chế mua bán các-bon
Nghiên cứu đã trình bày được cách tiếp cận dựa vào thị trường, bao gồm các cơ chế mua bán các-bon trong đó có cơ chế hạn ngạch và mua bán phát thải, cơ chế bù trừ các-bon, thuế các- bon. Bài học kinh nghiệm quốc tế về triển khai các cơ chế mua bán các-bon của một số quốc gia như Trung Quốc và kinh nghiệm về triển khai thuế các-bon, công cụ giao dịch các bon của các quốc gia như Mỹ và Thái Lan. Từ đó, vai trò quan trọng của số liệu đầy đủ và chính xác cho hệ thống ETS cũng được phân tích rõ ràng để Việt Nam rút ra được bài học kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai đẩy mạnh cách tiếp cận dựa vào thị trường trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
|