Ảnh minh họa
Những năm gần đây mô hình nuôi tôm áp dụng qui trình biofloc, semi biofloc đã được thử nghiệm thành công ở nhiều nước như Úc, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ,… Ở Việt Nam mô hình này đang được thử nghiệm ở nhiều nơi như Sóc Trăng, Tiền Giang và các tỉnh miền Trung… và bước đầu đạt hiệu quả cao về mọi mặt như năng suất tăng và ổn định, hệ số thức ăn thấp, nuôi với mật độ cao và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường, để áp dụng công nghệ này trong mô hình nuôi tôm chân trắng đề tài thử nghiệm “Ứng dụng công nghệ semi Biofloc trong nuôi tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh” được các chuyên gia ĐH Tây Đô và CĐ Cơ điện NN Nam Bộ thực hiện nhằm tìm ra giải pháp nuôi tôm hiệu quả hơn cho tỉnh Cà Mau và góp phần đưa mô hình nhân rộng trong khu vực, giúp cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững và hiệu quả.
Nghiên cứu gồm hai thí nghiệm và một đợt nuôi thử nghiệm nhằm đánh giá khả năng nuôi tôm chân trắng theo qui trình semibiofloc tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Thí nghiệm 1 gồm có 4 nghiệm thức (NT): NT1 là NT đối chứng, NT2 sử dụng rỉ đường, NT3 sử dụng bột gạo và NT4 sử dụng bột mì và thí nghiệm 2 gồm có 4 nghiệm thức khác nhau về tỉ lệ carbohydrate bổ sung trong qui trình (NT1 tỉ lệ C/N = 5:1, NT2 là 10:1, NT 3 là 15:1 và NT 4 là 20:1) nhằm tìm ra cơ chất sử dụng hiệu quả và xác định tỷ lệ C : N hợp lý trong qui trình Semibiofloc trong điều kiện ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả cho thấy sử dụng bột mì với tỉ lệ C:N là 10:1 cho tỉ lệ sống và tăng trưởng của tôm cao, khác biệt có ý nghĩa thống kê, và có hiệu quả về kinh tế, đảm bảo được môi trường thích hợp cho tôm chân trắng phát triển. Trong nuôi thực nghiệm tôm chân trắng tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, các yếu tố môi trường biến động trong khoảng cho phép, thích hợp cho sự phát triển của tôm nuôi. Năng suất thu được từ mô hình là 14,308 tấn/ha/vụ, với tỉ lệ sống bình quân là 89,2%; hệ số sử dụng thức ăn thấp (FCR =1,012) và lợi nhuận thu được là 666 triệu đồng/ha/vụ. Đây là mô hình nuôi hiệu quả có thể nhân rộng ra toàn tỉnh Cà Mau và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |