Mô hình spin-off trong nước
Công ty CP Khoa học và Công nghệ Bách khoa (BKTechs)
BKTechs tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp thuộc Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1993. Có thể nói, sự ra đời của Trung tâm chính là biểu hiện ban đầu cho hoạt động kinh doanh sản xuất của trường đại học. Bởi vì, quá trình chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường đòi hỏi lãnh đạo nhà trường phải ký kết các hợp đồng kinh tế. Trong bối cảnh những năm 80, khi các quy định về hoạt động của trường đại học còn khá cứng nhắc, thì điều này khiến lãnh đạo nhà trường phải đối mặt với các rủi ro về mặt pháp lý. Do đó, việc thành lập một tổ chức như Trung tâm trở thành một lựa chọn hợp lý. Có thể nói, bản chất của mô hình Trung tâm chính là một cánh tay nối dài của lãnh đạo nhà trường để thay mặt nhà trường thực hiện các giao kết kinh tế với đối tác. Trong bối cảnh đó thì Trung tâm hoàn toàn phụ thuộc vào nhà trường về cơ cấu tổ chức, nhân sự. Tài chính của Trung tâm phải được thực hiện theo kế hoạch dự toán được hiệu trưởng phê duyệt.
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings)
Cũng với mục tiêu đưa các kết quả nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường, nhưng với kỳ vọng có thể tạo cơ chế huy động các nguồn lực của nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình nghiên cứu, ươm tạo và thương mại hoá các sản phẩm KH&CN của nhà trường, điều này có nghĩa là các nhà khoa học trở thành chủ thể góp vốn, trí tuệ và công sức để xây dựng doanh nghiệp, năm 2008, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings).
Thành lập doanh nghiệp spin-off tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra
Chuyển đổi trung tâm chuyển giao công nghệ thành doanh nghiệp spin-off
Đây là mô hình mà Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã áp dụng với trường hợp của BKTechs. Hiện nay trong các trường đại học tồn tại nhiều tổ chức KH&CN công lập (hay còn gọi là trung tâm chuyển giao công nghệ). Về mặt pháp lý, các đơn vị này trước đây vận hành theo mô hình tự chủ được quy định bởi Nghị định 115/2005/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định 54/2016/NĐ-CP (sau đây gọi chung là trung tâm) với kỳ vọng có thể tạo ra những động lực vượt trội trong việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, việc thương mại hoá một sản phẩm KH&CN không có con đường nào khác ngoài con đường doanh nghiệp. Do đó, xu hướng tất yếu các trung tâm phải được chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Thành lập mới doanh nghiệp spin-off
Việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học nên được xem như là một bước trong quá trình đi từ nghiên cứu đến thị trường. Theo đó, trong phương án đề xuất nhiệm vụ KH&CN của chủ nhiệm đề tài nên dự kiến phương án thương mại hoá kết quả nghiên cứu, trong đó ưu tiên phương án thành lập doanh nghiệp spin-off từ chính kết quả nghiên cứu của đề tài. Điều này vừa phần nào thể hiện năng lực nghiên cứu và tinh thần doanh nhân của chủ nhiệm, vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư của ngân sách cho hoạt động KH&CN.
Một số rào cản, rủi ro
Về pháp lý: doanh nghiệp spin-off sản xuất và kinh doanh chủ yếu dựa trên việc khai thác các kết quả nghiên cứu từ trường đại học. Các kết quả nghiên cứu này thường có nguồn gốc hình thành từ ngân sách nhà nước (thông qua các đề tài, dự án sử dụng ngân sách), như vậy chúng được xem như tài sản công và bị chi phối bởi Luật Quản lý tài sản công. Theo đó thì “tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định”.
Rào cản từ trường đại học chủ quản: rào cản này có thể đến từ sự lo ngại của lãnh đạo trường đại học về việc mất kiểm soát doanh nghiệp spin-off trong tương lai. Doanh nghiệp spin-off hay bất cứ doanh nghiệp nào khác đều phải hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Nghĩa là lúc này mối quan hệ giữa trường đại học chủ quản và doanh nghiệp spinoff là mối quan hệ giữa hai pháp nhân độc lập. Mặc dù trường đại học có thể kiểm soát gián tiếp hoạt động của doanh nghiệp spin-off thông qua đại diện phần vốn góp tại hội đồng thành viên (công ty TNHH) hay hội đồng quản trị (công ty CP), nhưng theo thời gian thì xu hướng tự chủ của doanh nghiệp spin-off ngày càng lớn.
Rào cản từ nhà khoa học: ở các trường đại học phương Tây, các nhà khoa học thường mang trong mình tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Chính tinh thần này khiến họ dám dấn thân, chấp nhận rủi ro để đưa những thành quả nghiên cứu ra thị trường bằng con đường thành lập doanh nghiệp. Cộng với cơ chế thông thoáng trong quản lý, các trường đại học trở thành bệ đỡ vững chắc cho các doanh nghiệp spin-off được đề xuất bởi các nhà khoa học của trường. Trong khi đó, ở môi trường đại học phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, các nhà khoa học vẫn chưa được trang bị một tinh thần doanh nhân như vậy. Tư duy phải có một công việc “ổn định” tại trường đại học khiến cho họ không dám bước ra khỏi “vùng an toàn” để mạnh dạn đề xuất thành lập doanh nghiệp dựa trên các thành quả nghiên cứu của mình.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả ThS Ngô Hữu Thống -Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
|