Mô hình trồng dâu tây bán thủy canh là hướng để phát triển bền vững của thương hiệu dâu tây Đà Lạt. Ảnh VGP/ Hồng Hạnh
Đến thăm vườn dâu tây trồng theo phương thức bán thủy canh của anh Nguyễn Lâm Thanh (phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), chị Nguyễn Thùy Giang (du khách TP. Hồ Chí Minh) vừa tự tay chọn hái những trái dâu chín đỏ trong vườn, chia sẻ với chúng tôi: Khi ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thì việc vào tận vườn, chứng kiến cách trồng và tự tay hái những trái dâu đảm bảo chất lượng, tuy phải trả nhiều tiền hơn một chút nhưng không việc gì phải đắn đo.
Hiệu quả từ mô hình bán thủy canh
Trao đổi với phóng viên, anh Thanh chia sẻ: Dâu tây là đặc sản riêng có của vùng đất Đà Lạt. Tuy nhiên, các giống ngoại nhập ít phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam. Dâu trồng trên đất dễ mắc bệnh chết hàng loại, chất lượng trái không đồng đều, khó bảo quản và vận chuyển, thu nhập bấp bênh và quan trọng hơn là sự an toàn thực phẩm chưa được đặt lên hàng đầu.
Khác với cách trồng dâu tây trên nền đất thông thường, trồng theo phương pháp bán thủy canh (kết hợp giữa phương pháp thủy canh với giá thể xơ dừa) trong lồng kính đem lại hiệu quả đặc biệt. Vườn dâu của Lâm Thanh đặt trong nhà kính rộng 1.000 m2, dâu tây được trồng trong các hốc khoét sẵn của túi nilong dài hơn 1m, nhồi xơ dừa. Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động sẽ đảm bảo đủ nước và dưỡng chất cho cây.
Theo anh Thanh, việc trồng giàn sẽ giúp cây cách ly với các loại nấm, sâu bệnh trong đất, vừa tiết kiệm diện tích đất trồng. Giữa các giá đỡ, anh lắp đặt nhiều bẫy côn trùng dùng pheromone (một dạng chất kích thích thu hút côn trùng) để ngăn chặn loài vật này gây hại cho cây.
Để có được sản phẩm chất lượng, ngoài phương pháp trồng, còn phải chọn lọc giống dâu phù hợp với thổ nhưỡng,… Đồng thời, khi thu hoạch còn phải đáp ứng những quy định khắt khe về xử lý sản phẩm sau thu hoạch, trái dâu thu hoạch phải chín đỏ, chín đều, có mùi thơm đặc trưng, độ giòn và ngọt cao; được đóng gói cẩn thận từng lớp trái vào thùng giấy tránh tình trạng bầm dập khi vận chuyển.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Lâm Thanh làm hợp đồng với viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để lấy mẫu phân tích khoảng 20 chỉ tiêu, gồm một số chỉ tiêu về kim loại nặng, dư lượng nitrat, hàm lượng vi sinh vật, dư lượng thuốc trừ sâu với tần suất 2 tháng/lần.
Anh Thanh cho biết thêm, hiện vườn dâu cho năng suất bình quân 180 tạ/ha/năm, với tổng doanh thu gần 300 triệu đồng/năm, giá bán 150.000 đồng/kg mà vẫn được mọi người tìm mua, cung không đủ cầu.
Hướng đi bền vững cho dâu tây Đà Lạt
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện tỉnh có 147,2 ha trồng dâu tây. Mỗi năm, người dân thu hoạch khoảng 62,7 tấn. Đây là con số còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển dâu tây trở thành đặc sản mang thương hiệu Lâm Đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Chinh, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết: “Mô hình trồng dâu tây bán thủy canh là một trong những mô hình áp dụng thành công ở Lâm Đồng. Phương pháp canh tác này cho trái dâu có năng suất và chất lượng cao, phương pháp trồng dâu theo hướng sạch, ít dịch bệnh, có lợi cho môi trường, người tiêu dùng và cũng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững”.
Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư phát triển những mô hình trồng dâu như trên thường rất cao, từ khâu xây dựng nhà kính, thiết kế, lắp đặt hệ thống giàn trồng, giống (các giống trồng trên đất không phù hợp với điều kiện trồng bán thủy canh)… Trung bình mức đầu tư ban đầu vào khoảng 400.000-550.000 đồng/m2.
Do đó, để phát triển mô hình này phải thực hiện từng bước, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, để người trồng dâu đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Mô hình trồng dâu bán thủy canh có thể áp dụng vào thực tế canh tác cho các hộ nông dân tại gia đình; qua đó củng cố và phát triển diện tích loại cây trồng này bền vững, tạo nên một thương hiệu riêng của dâu tây Đà Lạt. |