Nhìn ra thế giới
Du lịch Pháp hầu như đã khai thác một cách triệt để tiềm năng của tháp Ép-phen. Người Malaysia lấy tòa tháp đôi làm niềm kiêu hãnh du lịch. Những cột vô tuyến truyền hình khổng lồ của Nhật, Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc,... luôn góp phần không nhỏ vào hoạt động du lịch. Những tòa nhà đồ sộ và những cây cầu vươn cao ở Australia, Mỹ, Malaysia, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Anh, Brazil, Canada... luôn là những điểm hấp dẫn du lịch. Đó là chưa kể đến vô số lâu đài, thành quách, tượng đài và hàng ngàn tuyến cabin cáp bao giờ cũng được xây dựng ở những vị trí cao trải khắp các châu lục trên thế giới.
Gần đây, Nhật Bản vừa hoàn thành Tokyo Sky Tree - là một tháp truyền hình mới có chiều cao 634m được coi là niềm kiêu hãnh của nước Nhật và biểu tượng của nền khoa học, công nghệ tiên tiến. Trước đó, tháp truyền hình Tokyo được xây dựng từ năm 1958 có chiều cao 333m, nhưng mỗi năm cũng đã thu hút bình quân 3 triệu lượt người đến tham quan du lịch. Tính đến năm 2011, sau 53 năm, tháp truyền hình Tokyo đã có tổng số 160 triệu lượt khách đến thăm.
Ý tưởng và tầm nhìn
Những giá trị và tiềm năng của núi Bài Thơ đã được xem xét đánh giá một cách khoa học và nghiêm túc tại cuộc Hội thảo khoa học về cụm di tích Lịch sử - Văn hóa núi Bài Thơ do Ủy ban Nhân dân thị xã Hồng Gai (thành phố Hạ Long ngày nay) phối hợp với Viện Văn học tổ chức vào ngày 26.9.1992. Tại hội thảo này, nhiều học giả nổi tiếng cùng với một số nhà nghiên cứu đã có những tham luận về việc bảo vệ, tôn tạo và khai thác cụm di tích núi Bài Thơ. Trong đó đã xuất hiện một số ý kiến tích cực đối với việc khai thác chiều cao núi Bài Thơ.
Những năm sau đó, hệ thống truyền thông Quảng Ninh nhiều lần trở lại đề tài này. Đặc biệt những người có trách nhiệm đã từng tổ chức cả một cuộc thi chọn biểu tượng để xây dựng trên đỉnh núi Bài Thơ. Gần đây, một số tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình nghiên cứu, đề xuất nhiều đề án, kế hoạch về khai thác, phát huy các giá trị núi Bài Thơ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và ý kiến trái ngược nhau, những ý tưởng trên cho đến nay vẫn chưa được triển khai.
Gần đây nhất, trong Hội thảo quốc tế về Bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới được tổ chức tại thành phố Hạ Long ngày 24.7.2012, ông Moon Kyoo Kim, một chuyên gia du lịch Hàn Quốc cũng nhấn mạnh rằng, núi Bài Thơ là một trong những giá trị điển hình về du lịch tại trung tâm đô thị Hạ Long nhưng chưa được khai thác, phát huy.
Khó làm hay chưa làm?
Ở Việt Nam, hoạt động du lịch mới thực sự bắt đầu phát triển, tiềm lực vật chất kỹ thuật cũng như cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế do đó chưa có điều kiện khai thác và phát huy hết những tiềm năng du lịch trên cao. Tuy nhiên, gần đây một số tỉnh, thành đã bắt đầu hướng tư duy du lịch vào những dự án khai thác chiều cao không gian. Trong đó có một số dự án cabin cáp vừa được đầu tư khai thác có hiệu quả tại Nha Trang, Đà Nẵng, Yên Tử,...
Với chiều cao hơn 200m (tương đương một tòa nhà 60 tầng) nằm ở trung tâm thành phố, sát mép biển trực tiếp nhìn ra Vịnh Hạ Long, núi Bài Thơ là một tượng đài tự nhiên hùng vĩ cho phép thỏa mãn tất cả các nhu cầu về thẩm mỹ đối với tổng thể cảnh quan Vịnh Hạ Long.
Những bài thơ bất hủ ở chân núi phía Nam, sự tích Truyền Đăng Sơn, đền thờ Trần Quốc Nghiễn, vị trí treo cờ Đảng, nơi đặt còi báo động, các hang sơ tán thời chiến... là những yếu tố lịch sử gắn liền với tên gọi núi Bài Thơ có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch. Chợ Hạ Long I, chùa Long Tiên, các khu phố thương mại, ẩm thực ở khu vực trung tâm thành phố là những điều kiện hỗ trợ có hiệu quả cho việc thu hút du khách đến với các hoạt động tham quan núi Bài Thơ.
Trong khi ngành du lịch và các cơ quan chức năng của tỉnh đang cố gắng tìm kiếm những dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án độc đáo, riêng biệt mang đậm dấu ăn văn hoá, lịch sử địa phương để đa dạng hoá sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của các đối tượng du khách... thì núi Bài Thơ - một quần thể di tích lịch sử, văn hoá với những điều kiện phát triển du lịch rất khả thi lại đang bị lãng quên.
Để chinh phục khai thác chiều cao núi Bài Thơ, có thể thấy trước không ít những trở ngại làm nản lòng nhiều người mà một số ý kiến đã cảnh báo.
Trong đó chủ yếu là những nguy hiểm, khó khăn khi phải đối đầu với hiện tượng đá lở, xử lý chất thải trên cao và giải phóng mặt bằng,...
Dù sao xuất phát từ những lợi ích lâu dài của một thành phố du lịch có tầm quốc gia và quốc tế, việc khai thác không gian núi Bài Thơ đã đến lúc cần phải được xem xét trước những nhu cầu phát triển không thể bỏ qua. |