Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng thu giữ trong các đợt kiểm tra.
Đáng lo hơn là những đối tượng này còn lợi dụng cả chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” để buôn bán hàng giả, gây hoang mang trong dư luận và người tiêu dùng,...
Nhức nhối nạn hàng giả,…
Thời gian gần đây, lực lượng công an các tỉnh ĐBSCL liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng về vùng nông thôn tiêu thụ. Điển hình là vào chiều 10.10, Công an huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã kiểm tra hành chính nhà trọ Thúy Oanh (ấp An Thạnh, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) và phát hiện đối tượng Ngô Văn Luân (SN 1965, quê quán Nam Định) đang có hành vi sản xuất, đóng gói giả nhãn hiệu bột giặt Omo. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ tang vật gồm: 300kg bao bột giặt Yes, 55kg bột giặt Omo, 3kg hóa chất, 2 cân đồng hồ, 1 máy ép bao bì, cùng nhiều loại bao nylon mang nhãn hiệu Omo. Tại cơ quan điều tra, Ngô Văn Luân thừa nhận đã thuê phòng trọ tại ấp An Thạnh và sản xuất bột giặt Omo giả để tiếp thị, bỏ mối cho các tiệm tạp hóa với giá rẻ hơn thị trường để trục lợi. ,
Tại Trà Vinh, theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh này, trong 9 tháng đầu năm 2012 ngành chức năng tỉnh đã phát hiện và xử lý 159 vụ vi phạm có liên quan đến hàng giả. Điển hình là vào ngày 14.8, khi tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất dầu ăn và bột ngọt của Dương Văn Thích (SN 1974, quê quán Nam Định) tại P.7, TP.Trà Vinh, Phòng CSĐT (PC46) Công an tỉnh Trà Vinh đã thu giữ nhiều tang vật, dụng cụ liên quan đến sản xuất hàng giả, gồm: 72 chai dầu ăn thành phẩm, 528 chai nhựa dùng để sang chiết dầu ăn; 4 bao bột ngọt loại 25kg có nhãn hiệu xuất xứ từ Trung Quốc; 2 máy ép nhựa, 600 túi nylon in nhãn hiệu bột giặt Omo cùng nhiều hàng hóa giả mạo khác. Qua điều tra, cơ sở này đã hoạt động gần 1 năm nay. Toàn bộ số dầu ăn, bột ngọt, bột giặt được đối tượng mua với giá rẻ tại Long An và TPHCM, rồi vận chuyển về Trà Vinh sang chiết, làm giả bán ra thị trường. Trước đó, Phòng PC46 Công an tỉnh Trà Vinh cũng đã bắt giữ 2 xe khách đang vận chuyển gần 1.000kg bột ngọt không rõ nguồn gốc (đã được đóng gói thành phẩm làm giả nhãn hiệu Ajinomoto), được vận chuyển từ TPHCM về Trà Vinh tiêu thụ,...
Sẽ còn nhức nhối
Theo đánh giá của cơ quan chức năng TP.Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, toàn TP đã xảy ra 201 vụ buôn lậu, mua bán hàng giả và gian lận thương mại (tăng 22 vụ so với năm trước). Tình trạng buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp. Còn theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh, một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất các loại sản phẩm mới kém chất lượng hoặc đóng gói giả các nhãn hiệu sản phẩm nổi tiếng mang xuống những vùng nông thôn tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Ông Nguyễn Xuân Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh - cho biết: Thời gian qua, các DN kinh doanh hàng hóa thường chú trọng vào thị trường các thành phố lớn. Nhắm vào điều này, nhiều đối tượng đã lợi dụng các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và sự thiếu hiểu biết của người dân để đưa những sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Cũng theo ông Hiệp, hiện những mặt hàng bị làm giả không chỉ tập trung vào các mặt hàng cao cấp, mà đang xảy ra đối với các mặt hàng thông thường trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, để đạt được hiệu quả tốt hơn trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, ngoài sự phối hợp của các ngành chức năng cần có sự hợp tác tích cực của DN và cả người tiêu dùng. |