Kinh tế - Xã hội [ Đăng ngày (20/07/2012) ]
Doanh nghiệp lợi, dân thiệt
Bộ Tài chính vừa báo cáo Chính phủ, đề xuất sửa đổi một số nội dung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Theo nhiều chuyên gia, những nội dung sửa đổi, có lợi cho doanh nghiệp mà chưa có lợi cho người mua xăng...

Doanh nghiệp luôn lãi

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi ba nội dung cơ bản, gồm: Rút ngắn thời gian tính giá cơ sở bình quân xuống 10 ngày (hiện hành là 30 ngày) để bám sát diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới và số ngày dự trữ lưu thông 30 ngày;

Đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở và khống chế mức lợi nhuận cho doanh nghiệp tối đa 300 đồng/lít (trong đó lợi nhuận tối đa cho tổng đại lý, đại lý là 100 đồng/lít).

Quỹ bình ổn giá sẽ được nghiên cứu, sửa đổi cả về trích lập quỹ, sử dụng quỹ và chuyển quỹ về Kho Bạc nhà nước quản lý.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Cty xăng dầu khu vực 3 (Petrolimex) cho rằng, cách tính giá cơ sở bình quân 10 ngày sẽ bám sát diễn biến giá thế giới hơn, tạo cơ sở để điều chỉnh giá linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, vẫn có cái dở là khi giá xăng dầu thế giới lên xuống liên tục, tính giá cơ sở bình quân theo 10 ngày sẽ không bao quát được biến động giá của thời kỳ dài (hiện tính theo chu kỳ 30 ngày).

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc tính giá cơ sở bình quân sẽ không tạo ra động lực cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Vì doanh nghiệp kinh doanh giỏi là phải biết tính toán, lựa chọn thời điểm nhập hàng về có lợi, dự phòng rủi ro.

Nhưng với cơ chế hiện nay, DN cứ nhập hàng về, giá thế giới tăng cao thì nhà nước cho tăng giá bán, còn giá giảm thấp thì cũng chưa vội giảm giá, vì chưa hết chu kỳ giảm (tối đa 10 ngày). Nên doanh nghiệp vẫn có lợi.

“Nhà nước không thể can thiệp vào chuyện kinh doanh của DN. Mà phải có cơ chế để ép DN tạo ra lợi nhuận từ kinh doanh giỏi, chứ không phải bằng cách lợi dụng cơ chế, để tăng giá nhanh, giảm giá chậm để kiếm lời”- ông Ánh nói.

Về đề xuất đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở, ông Trần Minh Đức nói: “Cơ chế này giúp doanh nghiệp luôn đạt lợi nhuận 300 đồng/lít, mà không phải đau đầu tính toán việc quản lý, kinh doanh sao cho có lời tối đa như hiện nay”.

Còn việc ấn định mức lợi nhuận định mức cho các tổng đại lý, đại lý (đề xuất là 100 đồng/lít), theo ông Đức là cần thiết, nhằm hạn chế doanh nghiệp tăng chiết khấu hoa hồng cao cho đại lý, có lúc tới 1.000 đồng/lít dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.

Phá độc quyền mới sửa được tận gốc

Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) Nghị định 84 định hướng kinh doanh xăng đầu theo thị trường nhưng lại quy định cho doanh nghiệp định giá (theo 3 cấp độ biến động giá: dưới 7% DN tự quyết, trên 7-12% nhà nước và DN cùng quyết; trên 12% thì nhà nước quyết) là sai. Vì trong kinh tế thị trường, không bao giờ có cơ chế điều hành giá “lưỡng tính” như vậy.

Ông Long phân tích, xăng dầu đã được xác định là sản phẩm độc quyền. Và căn cứ theo Luật giá vừa được Quốc hội thông qua, Tập đoàn xăng dầu Petrolimex hiện đang chiếm trên 60% thị phần thì xăng dầu là sản phẩm độc quyền.

Mà nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là nhà nước quyết định giá sản phẩm độc quyền, còn sản phẩm cạnh tranh để cho doanh nghiệp và thị trường định giá.

“Nhưng thật khó hiểu khi Bộ Công Thương vẫn khăng khăng rằng, xăng dầu không phải là sản phẩm độc quyền, Petrolimex chỉ là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, và vừa qua (ngày 30-6-2012) đã cho phép doanh nghiệp quyết định giá bán”- Ông Long nói và cho rằng, khi chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề độc quyền xăng dầu, thì mấy đề xuất sửa đổi Nghị định 84 của Bộ Tài chính cũng chỉ là sửa nửa vời, càng làm rối thêm vấn đề. Mà kinh doanh xăng dầu vẫn không vận hành theo thị trường đúng nghĩa.

Kho bạc giữ quỹ bình ổn, có ổn?

Theo Bộ Tài chính, việc chuyển quỹ bình ổn giá về Kho bạc nhà nước, để quản lý tập trung, bảo đảm “phản ứng nhanh” về chính sách với diễn biến thị trường, không tạo cơ chế “xin – cho”, giảm bớt thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quỹ bình ổn giá đặt tại Kho bạc nhà nước là không hiệu quả.

“Việc rạch ròi “đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối” là đúng, nhưng chuyển sang Kho bạc dòng tiền không được lưu chuyển, nên lãng phí. Vì thế nếu để ở Kho bạc thì cần có cách sử dụng sao cho hiệu quả”.

Quỳnh Nga
Theo tienphong.vn (ntctu)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sự kiện  
   

Tiêu điểm

Nỗ lực hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo kết nối thông suốt
Tập trung cao độ cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ về tình hình hoạt động sau khi hợp nhất ba địa phương
Hội đồng tư vấn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN (Tư vấn và chứng nhận Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 – Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu và Tiêu chuẩn ISO 14001:2015 – Hệ thống quản lý môi trường) thuộc Chương trình NSCL năm 2025
Khám phá ra protein quan trọng đằng sau sức mạnh chống lão hóa của việc tập thể dục
4 triệu chứng chính của ung thư đại tràng
Bộ não bị lão hóa nhanh là do ảnh hưởng từ 64 gene
Ứng dụng di động hỗ trợ phục hồi chức năng liệt nửa người do đột quỵ
Microsoft cáo buộc nhóm tin tặc đứng sau mạng lưới Deepfake AI
Công nghệ lưu trữ lượng tử vừa đạt đột phá: Chứa 5.000 phim 4K trên một tinh thể bé hơn đầu ngón tay?
Sony tuyên bố hợp tác gây chấn động ngành game, mang tính năng độc quyền trên AMD RX 9000 đến PS5 Pro, vạch ra tương lai cho PS6
Đại học Harvard công bố 4 loại trái cây giúp hỗ trợ sống 'trường thọ' nên ăn thường xuyên
AI có thể thay thế người thầy?
Ăn nhiều cá có thể giảm nguy cơ khuyết tật do đa xơ cứng

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->