Sở hữu trí tuệ [ Đăng ngày (20/05/2023) ]
Sản phẩm xoài “Cao Lãnh” được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài là kết quả của Dự án “Đăng ký xác lập quyền (bảo hộ) chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài” do Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL chủ trì thực hiện.

Dự án “Đăng ký xác lập quyền (bảo hộ) chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài” do Sở KH&CN Đồng Tháp quản lý, đơn vị tổ chức chủ trì thực hiện là Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL. Dự án được triển khai thực hiện trong vòng 3 năm kể từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2021, với tổng kinh phí thực hiện trên 1,5 tỷ đồng.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00078 cho sản phẩm xoài Cao Lãnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Điều này có ý nghĩa quan trọng, tạo được cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tạo cơ hội mở rộng thị trường quốc tế.

Xoài Cao Lãnh nổi tiếng bởi xoài cát chu và xoài cát. Xoài cát chu (tên khoa học là Mangifera indica L) là giống xoài truyền thống tại Đồng Tháp từ bao đời nay. Quả xoài cát chu Cao Lãnh ngắn, tròn mình, hơi chu ra ở phần đuôi quả. Thịt quả xoài cát chu Cao Lãnh dày, độ chắc thịt cao, thịt quả mịn, hơi dai và ít xơ, vị quả ngọt dịu pha lẫn với vị hơi chua, mùi thơm dịu đặc trưng. Đặc điểm cảm quan của xoài cát chu Cao Lãnh được cụ thể qua các chỉ tiêu chất lượng: chiều cao quả từ 105 - 135mm, quả có đường kính từ 70 - 90mm, vỏ quả dày từ 0,8 - 1,4mm, trọng lượng quả từ 280 - 455g, tỷ lệ thịt quả từ 75 - 85%, quả có độ Brix từ 14 - 18%, độ Axit từ 0,1 - 0,3%, tỉ số Brix/Axit từ 80 - 120, tỉ lệ chất xơ từ 0,4 -  0,6%, hàm lượng Axit Ascorbic (vitamin C) từ 100 - 150mg/kg.

So với xoài cát chu Cao Lãnh, quả xoài cát Cao Lãnh có hình dáng thuôn dài. Quả tròn mình, eo rốn rõ, đỉnh nhọn, bầu tròn gần cuống, vỏ quả mỏng và khi chín có màu vàng tươi, bề mặt vỏ phủ lớp phấn trắng mịn, có những đốm nhỏ li ti màu nâu, thịt quả khi chín có màu vàng tươi, thịt quả dày, độ chắc thịt cao, mịn, dẻo, ít nước, ít xơ, vị quả ngọt đậm, mùi thơm dịu đặc trưng.

Xoài cát trồng tại Cao Lãnh thực chất là giống xoài cát ở Hòa Lộc, Tiền Giang. Vào khoảng thập niên 60 của thế kỉ XX, với vị trí địa lý tiếp giáp với huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, giống xoài cát ở Hòa Lộc được người nông dân Cao Lãnh mang về canh tác tại địa phương và ngày càng được nhân rộng. 

Xoài cát Cao Lãnh có chiều cao quả từ 120 - 162mm, đường kính quả từ 75 - 92mm, vỏ quả dày từ 0,8 - 1,3mm, quả có trọng lượng từ 365 - 580g, tỉ lệ thịt quả 75 - 87%, độ Brix từ 17 - 22%, độ Axit từ 0,02 - 0,4%, tỉ số Brix/Axit từ 150 - 200, tỉ lệ chất xơ từ 0,5 - 0,7%, hàm lượng Axit Ascorbic từ 200 - 350mg/kg.

Tính chất, chất lượng đặc thù của xoài Cao Lãnh nêu trên có được là do mối quan hệ giữa điều kiện địa lý tự nhiên và kỹ thuật canh tác của các nhà vườn tại Cao Lãnh.

Khu vực địa lý sản phẩm xoài Cao Lãnh: Xã Hòa An, xã Tân Thuận Đông, xã Tịnh Thới, xã Tân Thuận Tây, xã Mỹ Trà, xã Mỹ Tân, xã Mỹ Ngãi, phường 6 và phường 11 thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; xã Mỹ Xương, xã Mỹ Hội, xã Bình Hàng Trung, xã Bình Hàng Tây, xã Mỹ Long, xã Mỹ Hiệp, xã Bình Thạnh, xã An Bình, xã Mỹ Thọ và thị trấn Mỹ Thọ thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

ltnhuong
Theo Cục Sở hữu Trí tuệ
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Văn bản Sở hữu trí tuệ  
 
 
Câu hỏi thường gặp  
   

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->