Trong bối cảnh ngành công nghiệp tiêu thụ hơn 50% tổng năng lượng quốc gia, việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí sản xuất mà còn góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Để hiện thực hóa các giải pháp này, vai trò của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp giữ vị trí đặc biệt quan trọng.
Lãnh đạo doanh nghiệp chính là người định hướng chiến lược và ra quyết định cho các dự án TKNL. Khi lãnh đạo nhận thức rõ rằng TKNL không chỉ là biện pháp tiết kiệm chi phí, mà còn là công cụ nâng cao hiệu suất sản xuất, uy tín thương hiệu và năng lực cạnh tranh dài hạn, thì TKNL sẽ được tích hợp vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp thay vì chỉ là giải pháp ngắn hạn.
Nhiều giải pháp TKNL đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu đáng kể. Nếu thiếu sự quyết đoán và tầm nhìn từ lãnh đạo, doanh nghiệp có thể bỏ lỡ những cơ hội nâng cao hiệu quả vận hành và tiết kiệm lớn trong tương lai. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp có lãnh đạo tiên phong và quyết liệt đã đạt được mức tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm sau khi áp dụng các giải pháp TKNL phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Đồ uống Việt Nam (VBA), chia sẻ về tầm quan trọng của TKNL trong ngành đồ uống.
Không chỉ dừng lại trong nội bộ, lãnh đạo doanh nghiệp còn đóng vai trò kết nối với các nguồn lực bên ngoài như quỹ tài chính xanh, tổ chức quốc tế và đơn vị cung cấp công nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh các chương trình hỗ trợ như Dự án VSUEE đang được triển khai, sự chủ động của lãnh đạo là yếu tố quyết định việc doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác hiệu quả các cơ hội tài chính và kỹ thuật.
Một điểm sáng là Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) thuộc Dự án VSUEE, có quy mô 75 triệu USD từ nguồn vốn của Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) thông qua Ngân hàng Thế giới. Quỹ RSF giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng cho các tổ chức tài chính khi cho vay các dự án TKNL bằng cách phát hành bảo lãnh tín dụng RSF.
Ông Bùi Xuân Cảnh, Chuyên gia thẩm định kỹ thuật, Ban Quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro, giới thiệu về cơ chế bảo lãnh.
Việc đầu tư vào TKNL cũng là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn ESG đang ngày càng nghiêm ngặt. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực triển khai TKNL, đặc biệt từ cấp lãnh đạo, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức chương trình đào tạo “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho lãnh đạo doanh nghiệp”, trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” do GCF tài trợ.
Nội dung đào tạo bao gồm:
(i) Nhận diện và phát triển dự án TKNL;
(ii) Kiểm toán năng lượng và phân tích tài chính;
(iii) Ứng dụng hệ thống đo lường, báo cáo, thẩm định;
(iv) Chiến lược marketing và kinh doanh hướng tới TKNL.
Khóa đào tạo có sự tham gia của 31 học viên là lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành Đồ uống.
Khóa học đầu tiên diễn ra ngày 15/4/2025 với sự tham gia của 31 lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đồ uống, do các giảng viên đến từ trường đại học kỹ thuật, chuyên gia của Bộ Công Thương và các chuyên gia quốc tế giảng dạy. Các khóa tiếp theo sẽ được thiết kế riêng cho từng ngành như: Thủy sản, Dệt may, Giấy và bột giấy, Gạch và gốm sứ, Sắt thép, Xi măng và Nhựa – đảm bảo tính ứng dụng cao, sát với thực tiễn từng ngành nghề. |