Đồng thời, đã xây dựng và thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Thuận tại huyện Bắc Bình với diện tích hơn 2.155 ha; đã đầu tư hoàn thành Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1), diện tích 92 ha nhằm thu hút các dự án lớn đầu tư sản xuất tôm giống công nghệ cao. Triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng... Qua đó, đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận. Đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%. Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, trong thời gian tới tỉnh ta sẽ phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; xây dựng và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các khu vực có lợi thế về thị trường và kết cấu hạ tầng để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh; trong đó, vùng trồng lúa chất lượng cao bố trí tại các huyện Tánh Linh, Đức Linh.
Ổn định diện tích cây thanh long trên toàn tỉnh đến năm 2030 khoảng 30.000 ha. Vùng phát triển thanh long tập trung chính ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình. Định hướng hình thành vùng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 20.000 - 22.000 ha, chiếm khoảng 70 - 75% diện tích. Trong đó vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.500 ha tại các huyện: Hàm Thuận Nam 2.000 ha, Hàm Thuận Bắc 1.300 ha, Bắc Bình 200 ha. Đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thanh long với quy mô 52 ha tại Trạm thực nghiệm xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam.
Phát triển sản xuất rau, củ, quả thực phẩm theo hướng VietGAP phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Phát triển vùng chuyên canh rau an toàn với quy mô khoảng 1.200 ha, trong đó vùng tập trung ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh với quy mô khoảng 200 ha.
Phát triển chăn nuôi bò (bò thịt, bò sữa) theo quy mô công nghiệp gắn với phát triển đồng cỏ phục vụ chăn nuôi; quan tâm công tác cải tạo giống để nâng cao thể trạng, chất lượng. Vùng chăn nuôi bò thịt theo hướng trang trại, tập trung tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi như huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.
Phát triển chăn nuôi heo với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống heo bản địa, heo lai giữa giống cao sản và giống bản địa. Quy hoạch 48 vùng chăn nuôi heo tập trung công nghiệp tại địa bàn 5 huyện với tổng diện tích là 842 ha.
Tiếp tục đầu tư mở rộng Khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung Chí Công, huyện Tuy Phong (giai đoạn 2) với quy mô khoảng 154 ha. Định hướng đến năm 2030 hình thành Vùng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Hàm Thuận Nam 500 ha và thị xã La Gi 300 ha nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại nhằm phát huy lợi thế đất đai và hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ.
|