Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang gia tăng nhanh về tốc độ theo cấp luỹ thừa; phạm vi rộng khắp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự thay đổi chưa từng có trong mô hình kinh tế - xã hội. Những thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội gắn liền với những thay đổi về nhu cầu và phương thức tiếp cận sách của độc giả, ngành xuất bản đứng trước những thời cơ và thách thức mới, bởi vậy thực hiện chuyển đổi số như một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mới.
Và chính sự phát triển này đã tác động mạnh mẽ tới ngành xuất bản. Quá trình ra đời và hoàn thiện không ngừng của sách kỹ thuật số, với những tiện ích vượt trội so với sách in giấy đã và đang mở ra một “chân trời mới” cho thị trường này. Theo thống kê, năm 2022 xuất bản điện tử tăng mạnh (59% so với năm 2021), với 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 15 triệu lượt người dùng. Ngành xuất bản kỳ vọng năm 2023 này sẽ tiếp tục có sự phát triển mạnh ở thị trường số.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết các nhà xuất bản, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện.
Một số nhà xuất bản, công ty sách đang chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử cũng là một minh chứng sinh động và rõ rệt nhất cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.
Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội, ông Trần Chí Đạt, Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cũng cho biết chuyển đổi số trong xuất bản sẽ đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ như sự cạnh tranh khốc liệt, thay đổi thói quen của người đọc sách… chính vì thế cần phải kiên trì và thường xuyên đồng hành với bạn đọc.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT&TT) cũng cho hay thách thức hiện nay chính là công nghệ, khi có quá nhiều nền tảng. "Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, chúng tôi đang tập trung xây dựng một nền tảng dùng chung cho xuất bản và phát hành. Các nhà xuất bản sẽ sử dụng nền tảng này để thực hiện quy trình xuất bản và phát hành; nền tảng đó cũng sẽ kết nối với bạn đọc trong và ngoài nước".
Ngoài ra, thách thức lớn nữa đối với những người làm xuất bản điện tử hiện nay là vấn đề vi phạm bản quyền và chi phí đầu tư cho công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy ngành xuất bản cần cải tiến quy trình biên tập - xuất bản theo phương thức tích hợp; sử dụng các phần mềm biên tập, quản lý duyệt bản thảo nhanh chóng, hiệu quả; Sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích nhu cầu của độc giả, các review của độc giả khi đọc sản phẩm của đơn vị xuất bản; Đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi. |