Là cây ăn trái phổ biến ở Đông Nam Á, vải dứa được biết đến khoảng thế kỷ 17, nhiều nhất tại Philippines. Tuy nhiên, tất cả công đoạn làm vải phức tạp chỉ bằng công cụ thô sơ, không thể dệt ra nhiều thành phẩm; cộng thêm giá cả đắt đỏ khiến nó không được nhiều người sử dụng. “Chất liệu xa xỉ” dần bị lãng quên khi vải dệt công nghiệp giá rẻ lên ngôi sau thế kỷ 19.
Xu hướng Sống Xanh đã thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp Đông Nam Á “tái sinh” vải dứa để ứng dụng rộng rãi vào đời sống đương đại. Gia nhập cuộc đua trở thành nhà sản xuất tiên phong cung cấp đại trà sợi vải dứa, các doanh nghiệp Việt Nam đã cho ra đời Ananas.
Sau hơn 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm, sản phẩm vải làm từ sợi lá dứa đã được kỹ sư Đậu Văn Nam đưa vào sản xuất với quy mô công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, bền vững.
Theo chia sẻ của kỹ sư Đậu Văn Nam, nhà sáng lập của Ecofa Việt Nam, việc sản xuất sợi vải từ lá quả dứa không mới, tuy nhiên, việc thực hiện thường thủ công, nhỏ lẻ, không thể tạo ra sản lượng tơ đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho các nhà máy sợi, dệt.
Để nắm bắt cơ hội trở thành người tiên phong trong việc sản xuất sợi từ lá quả dứa ở quy mô công nghiệp, từ giữa năm 2021, anh Nam cùng Ecofa Việt Nam đã bắt đầu hợp tác cùng nông dân và hợp tác xã Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang để thu hoạch lá quả dứa phục vụ nghiên cứu sản xuất tơ, sợi vải lá dứa bằng các sáng chế đã được chính anh Nam phát minh trước đó.
Qua nhiều năm thử nghiệm, tới nay, quy trình sản xuất tơ dứa quy mô lớn bằng máy đã được hoàn thiện dần và đáp ứng nhu cầu ở quy mô công nghiệp.
Quy trình sản xuất xơ thô và bông hóa xơ lá quả dứa trải qua 18 giai đoạn nhưng về cơ bản gồm tách xuất xơ dứa thô (cùng màu & độ dài) từ lá, rồi đánh bông xơ thô thành tơ (đảm bảo đồng đều màu, độ ẩm, dài & mảnh). Lúc này, tơ dứa mới được dùng kéo sợi, dệt vải.
Đến đầu năm nay, Ecofa Việt Nam đã có thể cung cấp 18 tấn tơ (pineapple cottonized fiber) từ hơn một triệu tấn lá quả dứa thu hoạch mỗi tháng. Công ty dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn mỗi tháng vào cuối năm 2025.
Ecofa Việt Nam hiện đang hợp tác cùng Bảo Lân Textile để biến các thành phẩm tơ, sợi lá dứa thành vải thành phẩm phục vụ ngành dệt, may mặc, thời trang, nội thất, với thương hiệu là Ananas.
Tùy mục đích sử dụng, tơ lá quả dứa pha trộn tùy chỉnh với các sợi sinh thái khác như bông hữu cơ (organic cotton), bamboo biocell (một loại sợi trẻ sản xuất bằng công nghệ close loop system), lụa, len,... Từ đó, họ có thể tạo ra các chất liệu như jean, thun, khăn lông, vải dệt thoi, vải dệt kim.
Theo các chuyên gia ngành dệt may, vải dứa đã được biết đến từ khoảng thế kỷ 17 và được phổ biến nhất tại Philippines. Tuy nhiên, tất cả các công đoạn làm vải rất phức tạp và được thực hiện thủ công, thô sơ, do đó sản lượng không cao, giá thành đắt đỏ và trở nên kén người sử dụng. Những yếu tố đó đã khiến chất liệu sợi vải này bị lãng quên sau khi vải dệt công nghiệp giá rẻ lên ngôi sau thế kỷ 19.
Tuy nhiên, với xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững hiện nay, việc tái sinh vải lá quả dứa để ứng dụng rộng rãi vào đời sống hiện nay là phù hợp. Một số nước như Philippines, Costa Rica, Bangladesh cũng đã nghiên cứu và thương mại thành công sợi dứa thời gian qua.
Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường The Business Research Company (Anh), quy mô thị trường sợi tự nhiên thế giới sẽ tăng trưởng từ 63,62 tỷ USD năm 2021 lên 77,12 tỷ USD vào năm 2026. Do đó, sản phẩm vải từ lá quả dứa của các nhà khởi nghiệp Việt cũng đang có triển vọng xuất khẩu tốt. |