Việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng trong các trường đại học là một vấn đề khá phức tạp bởi có liên quan đến việc xác định các chủ thể quyền và nội dung quyền được nắm giữ bởi các chủ thể đó. Nghiên cứu này nhằm mục đích phân tích các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 và năm 2022 về một số vấn đề liên quan đến việc xác định tư cách là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm do sinh viên tạo ra trong các trường đại học. Bên cạnh đó, dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, nghiên cứu còn tìm hiểu các quyền được nắm giữ trong từng trường hợp cụ thể, các tư cách được nắm giữ liên quan đến việc sáng tạo tác phẩm và phân tích việc xin phép, sử dụng quyền tác giả trong một số trường hợp đặc biệt.
Thực tế, quyền tác giả của tác phẩm do sinh viên của một trường đại học tạo ra có thể thuộc về chính sinh viên đó, hoặc trường đại học nơi sinh viên đó theo học, hoặc thuộc về cả hai chủ thể này, hoặc trong một số trường hợp đặc biệt, thuộc về bên thứ ba ngoài trường. Trong nghiên cứu này, “sinh viên trong các trường đại học” được hiểu là sinh viên đang theo học một chuyên ngành do một trường đại học đào tạo, với tư cách được xác định trong khoảng thời gian từ khi sinh viên đó bắt đầu học cho đến trước khi hoàn thành các thủ tục tốt nghiệp hoặc ngừng học tại trường. Bài nghiên cứu đã đi sâu vào phân tích một số vấn đề quan trọng như: xác định tư cách và nội dung quyền tác giả của tác phẩm do sinh viên tạo ra trong một số trường hợp do luật thiết lập mặc định; Một số vấn đề liên quan đến các tư cách đặc biệt; các vấn đề liên quan đến xin phép sử dụng, giấy phép và các thỏa thuận về quyền sử dụng tác phẩm.
Về vấn đề xác định tư cách và nội dung quyền tác giả của tác phẩm do sinh viên tạo ra trong một số trường hợp do luật thiết lập mặc định, các tác giả đã trình bày và phân tích hai trường hợp: Sinh viên tự tạo ra tác phẩm bằng sự đầu tư cá nhân, không thuộc phạm vi nhiệm vụ học tập; Sinh viên tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ học tập. Một số vấn đề liên quan đến các tư cách đặc biệt như: Tư cách “đồng tác giả”; Tư cách “đồng chủ sở hữu”; Tư cách “chủ biên”. Đồng thời, bài nghiên cứu cũng đã nêu ra các vấn đề liên quan đến xin phép sử dụng, giấy phép và các thỏa thuận về quyền sử dụng tác phẩm. Về nguyên tắc chung, Khoản 2 Điều 20 Luật SHTT quy định rằng, đối với các quyền tài sản thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện, khai thác. Đây có thể xem là nguyên tắc cơ bản nhất của pháp luật về bản quyền. Trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả thuộc về nhà trường hoặc thuộc các trường hợp được Luật SHTT cho phép tự do sử dụng, nhà trường không cần phải thực hiện việc xin phép, trả tiền (trừ trường hợp muốn tạo ra tác phẩm phái sinh thì phải xin phép tác giả, tức sinh viên đã tạo ra tác phẩm và được sự đồng ý bằng văn bản). Nếu không thuộc các trường hợp vừa nêu, khi trường đại học muốn khai thác, sử dụng tác phẩm do sinh viên tạo ra, nhà trường cần “Xin phép sử dụng” quyền tác giả. Liên quan đến vấn đề này, tuy các quy định của pháp luật hiện hành là khá rời rạc, nhưng có thể khái quát thành một số trường hợp sau: Trường hợp 1 - Sự cho phép mặc định theo luật; Trường hợp 2 - Giấy phép chủ động; Trường hợp 3 - Giấy phép nửa chủ động; Trường hợp 4 - Giấy phép thụ động.
Việc xác định các tư cách “tác giả”, “chủ sở hữu quyền tác giả” liên quan đến tác phẩm được tạo ra bởi sinh viên của trường đại học có thể được thực hiện dựa trên các phương án mặc định mà Luật SHTT đưa ra; tuy nhiên, các phương án này hoàn toàn có thể bị phá vỡ nếu như có thỏa thuận khác giữa sinh viên, nhà trường và các bên liên quan khác. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể phát sinh các tư cách như “đồng tác giả”, “đồng chủ sở hữu” hoặc “chủ biên”. Đối với các trường hợp này, các chủ thể nắm giữ các tư cách đó có thể cùng nhau khai thác các quyền của mình hoặc có thể độc lập khai thác phần mình đóng góp, nếu luật pháp cho phép hoặc có thỏa thuận, hoặc có thể hưởng được các quyền nhiều hơn hoặc ít hơn các chủ thể khác, miễn là có thỏa thuận từ trước. Cuối cùng, liên quan đến quá trình xin phép, sử dụng quyền tác giả, nguyên tắc chung đó là tổ chức, cá nhân khi khai thác các quyền tác giả mang tính chất tài sản phải xin phép, trả tiền cho người nắm giữ quyền, tuy nhiên, việc xin phép, trả tiền có thể không bắt buộc trong một số trường hợp, và việc cấp phép/cho phép sử dụng quyền tác giả có thể được thực hiện theo nhiều cách thức khác nhau bởi người nắm giữ quyền.
|