Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (26/06/2025) ]
Nghiên cứu kỹ thuật canh tác cây nghệ đen (Curcuma zedoaria Rosc.) tại TP.HCM
Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Quốc Thanh làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2024.

Hình ảnh tại khu bố trí thí nghiệm nghiên cứu

Nghệ đen (Curcuma zedoaria Rosc.) là một loài thuộc chi Nghệ (Curcuma) có giá trị dược liệu cao, thành phần chủ yếu trong dầu củ nghệ đen là sesquiterpenoids (80 - 85%) và monoterpenoids (15 - 20%). Củ nghệ đen có khả năng kháng nấm, kháng khuẩn, kháng viêm và còn là chất chống oxy hóa mạnh, chống ung thư,… Do vậy, nghệ đen là một trong những loại cây trồng đang được các nhà nghiên cứu quan tâm về giá trị sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dược phẩm và mỹ phẩm.

Trong canh tác, nghệ đen được trồng từ cây giống sẽ cho hiệu quả cao hơn so với trồng trực tiếp từ củ giống do cây giống có độ đồng đều cao, củ được giâm trong vườn ươm có thể kiểm soát sâu, bệnh hiệu quả và tránh điều kiện thời tiết bất lợi trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, giá thể là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả nhân giống. Những năm gần đây, mô hình canh tác cây nghệ đen đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ dân tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung,…

Tại các tỉnh phía Nam, cây nghệ đen chỉ được trồng với diện tích nhỏ lẻ và việc lạm dụng phân bón vô cơ nhằm tăng năng suất trong quá trình canh tác dẫn đến chất lượng củ thấp và hoạt tính dược liệu chưa đạt yêu cầu. Với khả năng thích nghi rộng, cây nghệ đen có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là đất cát thoát nước tốt, đây sẽ là cây trồng tiềm năng giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần cung ứng nguồn nguyên liệu củ nghệ đen tươi cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận.

Đề tài nghiên cứu nêu trên được thực hiện với mục tiêu xác định thành phần giá thể và khối lượng củ giâm thích hợp cho quá trình nhân giống củ nghệ đen; xác định loại phân hữu cơ và hàm lượng phân NPK thích hợp cho cây nghệ đen sinh trưởng tốt, củ đạt năng suất và chất lượng cao. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các nội dung thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng giá thể và khối lượng củ giâm đến hiệu quả nhân giống cây nghệ đen (1); ảnh hưởng loại phân hữu cơ và hàm lượng phân NPK đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng củ nghệ đen (2).

Thí nghiệm (1) được thực hiện trong nhà ươm diện tích 300 m2 được thiết kế hệ thống cửa áp mái cố định, thông gió tự nhiên. Cột cách cột (bước cột) 4 m, độ cao cột từ 4 - 4,75 m. Mái được lợp bằng màng polymer (dày 150 micron) và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng 50 mesh, phía trên có lớp lưới cắt giảm 50% ánh sáng. Vườn ươm được phun thuốc khử trùng trước khi giâm củ nghệ đen. Nhà ươm có nhiệt độ trung bình 32 ± 20C, ẩm độ 70 - 80% và mật độ dòng photon hữu hiệu cho quang hợp (PPFD) 500 - 800 µmol/m2/s. Thí nghiệm (2) được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại, diện tích mỗi ô thí nghiệm 30 m2 (kích thước 20×1,5 m), tổng diện tích bố trí thí nghiệm 30×12×3 = 1.080 m2.  

Kết quả cho thấy, củ nghệ đen khối lượng 40 g đạt tỉ lệ nảy chồi cao (91,5%), cây giống đạt giá trị cao nhất về số chồi (1,6 chồi/cây), chiều cao cây (64,8 cm), số lá (3,7 lá/cây) và thời gian xuất vườn (38,2 ngày sau giâm). Bên cạnh đó, cây được nhân giống trên giá thể 30% đất + 30% cát + 10% trấu + 30% phân trùn cho nhiều chồi (1,4 chồi/củ), cây đạt chiều cao tối đa (60,2 cm), số lá nhiều nhất (3,3 lá/cây) và thời gian xuất vườn sớm (42,2 ngày sau giâm).

Việc bón phân bò kết hợp phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh hoặc hữu cơ khoáng cho thấy cây sinh trưởng tốt, củ đạt năng suất cao và chất lượng tốt hơn so với chỉ bón phân bò. Đối với hàm lượng phân NPK, cây nghệ đen có khả năng sinh trưởng tốt nhất khi được bón phân NPK 120:60:120 (kg/ha): chiều cao cây 163,7 cm, đường kính thân 50,6 mm, số chồi 7,5 chồi/cây, số lá 54,7 lá/bụi, chiều dài lá 59,2 cm và chiều rộng lá 21,2 cm. Trong khi đó, phân NPK 120:90:150 (kg/ha) giúp cây nghệ đen cho củ đạt năng suất cao: số củ 25,2 củ/bụi, khối lượng củ 1.107,0 g/bụi, năng suất 4.538,7 kg/1.000 m2, chất lượng củ tốt và củ nghệ đen có giá thành thấp nhất.

Theo nhóm nghiên cứu, về hiệu quả kinh tế, việc sử dụng phân bò kết hợp với các loại phân hữu cơ sinh học giúp củ đạt năng suất cao, nên củ nghệ đen có giá thành thấp nhất (22.622 đồng/kg) và thấp hơn 1,66 lần so với chỉ sử dụng phân bò (37.629 đồng/kg). Tương tự, sử dụng phân NPK hàm lượng cao sẽ có chi chí sản xuất cao nhưng củ đạt năng suất cao, do đó củ nghệ đen có giá thành thấp hơn, cụ thể là sử dụng phân NPK 120:60:150 (kg/ha) có giá thành 18.242 đồng/kg, thấp hơn 1,80 lần so với sử dụng phân NPK 90:60:120 (kg/ha), giá thành 32.862 đồng/kg.

Sản phẩm chính của đề tài là củ nghệ đen tươi đạt chất lượng củ tốt (tinh dầu 1,41%, curcumin 0,22% và curzerene 4,19 mg/g); cùng mô hình kỹ thuật canh tác cây nghệ đen tại TP.HCM gồm đầy đủ các bước thực hiện từ chuẩn bị cây giống, trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch. Mô hình canh tác cây nghệ đen dựa trên sự kết hợp hiệu quả giữa phân chuồng và phân NPK, là mô hình canh tác theo hướng bền vững giúp cải thiện năng suất và chất lượng củ nghệ đen trong thời gian dài canh tác nhưng vẫn đảm bảo duy trì độ phì nhiêu của đất. Mô hình này góp phần đa dạng hóa cây trồng dược liệu tại TP.HCM, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ vườn tạp sang cây nghệ đen có giá trị kinh tế hơn hoặc xen canh cây nghệ đen với các loại cây trồng lâu năm khác nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và tăng thu nhập ổn định cho người dân.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân
Theo https://cesti.gov.vn (nnttien)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->