Công nghiệp [ Đăng ngày (23/05/2025) ]
Cộng hoà Áo là hình mẫu phát triển công nghệ nguồn, lõi và hệ sinh thái ĐMST quốc gia
Trong hơn 50 năm quan hệ hữu nghị, Cộng hoà Áo không chỉ là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, mà còn là hình mẫu về phát triển công nghệ nguồn, công nghệ lõi và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ngày 16/5, Diễn đàn Hợp tác Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Áo 2025 đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Vienna (Áo). Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã có bài phát biểu chỉ đạo trực tuyến.

Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Áo phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính Việt Nam và Phòng Thương mại Liên bang Áo (WKO) đồng tổ chức.

Diễn đàn là dấu mốc chiến lược trong quá trình tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Áo trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS), những động lực hạt nhân cho tăng trưởng nhanh và bền vững của hai nền kinh tế trong kỷ nguyên mới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Phát triển khoa học - công nghệ, ĐMST và CĐS là đột phá quan trọng hàng đầu, đóng vai trò trung tâm trong nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong hơn 50 năm quan hệ hữu nghị, Áo không chỉ là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, mà còn là hình mẫu về phát triển công nghệ nguồn, công nghệ lõi và hệ sinh thái ĐMST quốc gia”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò tiên phong của Áo trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược như AI, bán dẫn, lượng tử, cảm biến, và bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng hợp tác sâu rộng giữa hai nước.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề xuất bốn hướng hợp tác trọng tâm:

(i) Tăng cường hợp tác trong các ngành công nghệ chiến lược, xây dựng trung tâm R&D và đào tạo nhân lực;

(ii) Triển khai chương trình nâng cao năng lực ĐMST và CĐS cho doanh nghiệp vừa và nhỏ;

(iii) Hợp tác phát triển năng lượng xanh, thử nghiệm chuỗi hydro xanh;

(iv) Phát huy vai trò nòng cốt của các trung tâm ĐMST như NIC trong ươm tạo khởi nghiệp và thúc đẩy hợp tác công - tư.

Diễn đàn quy tụ nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN) và tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam và Áo như UNIDO, Infineon, TTTech, Siconnnex, Dynatrace, Genetica, FPT, VNPT, Sovico… cùng các viện nghiên cứu, trường đại học, startup, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực AI, bán dẫn, công nghệ sức khỏe, điện tử, IoT, lượng tử, điện toán biên và robot học.

Đại sứ Việt Nam tại Áo, ông Vũ Lê Thái Hoàng, nhấn mạnh Diễn đàn là bước cụ thể hóa chủ trương ngoại giao công nghệ và ĐMST của Chính phủ Việt Nam, thể hiện tinh thần chủ động hội nhập, hợp tác cùng phát triển trên nền tảng kết nối toàn diện giữa nhà nước - DN - trí thức - startup.

“Đây là Diễn đàn đầu tiên được tổ chức tại châu Âu nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, cập nhật chủ trương chính sách và hệ sinh thái khoa học công nghệ và ĐMST hai nước, tạo diễn đàn quảng bá, kết nối cho cộng đồng DN công nghệ Việt Nam và Áo để mở đường tiến tới ký kết, hợp tác cụ thể”, ông Vũ Lê Thái Hoàng nói.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, cho biết: "Trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ, ĐMST và CĐS, Việt Nam xác định việc tăng cường hợp tác quốc tế là một hướng đi chiến lược".

"Đặc biệt, việc thúc đẩy hợp tác với Cộng hòa Áo, quốc gia có thế mạnh trong nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, công nghệ nguồn được coi là bước đi quan trọng nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp chiến lược như bán dẫn, AI, công nghệ lượng tử, điện tử và năng lượng sạch".

Thông qua Diễn đàn, Việt Nam khẳng định vai trò mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị ĐMST toàn cầu, là điểm đến hấp dẫn cho các “đại bàng công nghệ” của Áo và châu Âu. Sự kiện cũng mở ra các cơ hội để DN hai bên hợp tác sâu rộng hơn trong chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, và cùng nhau kiến tạo nền tảng cho một tương lai số thịnh vượng./.

https://ictvietnam.vn/cong-hoa-ao-la-hinh-mau-phat-trien-cong-nghe-nguon-loi-va-he-sinh-thai-dmst-quoc-gia-69752.html (htquyen)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video

Nông nghiệp  
 
Tỉnh Hòa Bình: Hướng đến trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Là tỉnh có diện tích sản xuất cây ăn quả có múi khá lớn, chiếm 5% diện tích cả nước, giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc. Những năm qua, nhờ chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sự chủ động của các hộ sản xuất, Hòa Bình đã hình thành những vùng hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao. Đơn cử, như: Vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn...


 
Xây dựng  
   



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->