Sinh vật [ Đăng ngày (10/05/2025) ]
Vi khuẩn đường ruột giúp thuyên giảm bệnh đau cơ xơ hóa
Những thử nghiệm nhỏ trên chuột và người bước đầu chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh đau cơ xơ hóa (fibromyalgia) và những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột.

Cơn đau như “địa ngục trần gian” của Rina Green bắt đầu bằng một cơn đau lưng tưởng chừng vô hại. Đến cuối năm 2022, hai năm sau lần đầu tiên xuất hiện, cơn đau lan khắp cơ thể bà hằng ngày và có lúc dữ dội đến mức bà không thể ra khỏi giường. Thuốc giảm đau và vật lý trị liệu không mấy hiệu quả. Bà bắt đầu phải dùng xe lăn.

Bà Green mắc bệnh đau cơ xơ hóa (fibromyalgia), một căn bệnh bí ẩn, gây đau nhức mãn tính toàn thân. Đây là căn bệnh chưa rõ nguyên nhân và rất khó điều trị. Nhưng vào giữa năm 2024, bà Green đã nhận một liệu pháp thử nghiệm: những viên thuốc chứa vi sinh vật sống thường có trong đường ruột của người khỏe mạnh. Cơn đau của bà thuyên giảm đáng kể, và bà Green, 38 tuổi, sống ở Haifa, Israel, đã có thể đi dạo - điều mà bà không làm được kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh đau cơ xơ hóa.

Bà Green là một trong 14 người tham gia thử nghiệm sử dụng chế phẩm bổ sung vi sinh vật nhằm điều trị bệnh đau cơ xơ hóa. Tất cả, trừ hai người, đều báo cáo có sự cải thiện. Thử nghiệm này có quy mô quá nhỏ, do đó không nên tin hoàn toàn vào kết quả của nó - theo Amir Minerbi, nhà khoa học về cơn đau tại Technion - Viện Công nghệ Israel ở Haifa, người đồng tổ chức thử nghiệm. "Nhưng nó đủ khích lệ để chúng tôi tiếp tục tiến tới."

Đau cơ xơ hóa ảnh hưởng đến 4% dân số toàn cầu và xảy ra ngay cả khi không có tổn thương mô. Năm 2019, Minerbi và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột của phụ nữ bị đau cơ xơ hóa khác đáng kể so với phụ nữ khỏe mạnh. Điều này khiến các nhà khoa học tự hỏi liệu một liều vi khuẩn từ người khỏe mạnh có giúp người bệnh đau cơ xơ hóa giảm cơn đau nhức hay không. Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng vi khuẩn đường ruột có thể gián tiếp ảnh hưởng đến một loạt tín hiệu hóa học liên quan đến nhận thức cơn đau.

Nhóm nghiên cứu đã cấy các mẫu phân cực nhỏ chứa vi khuẩn từ cả phụ nữ bị bệnh đau cơ xơ hóa và phụ nữ khỏe mạnh vào những con chuột không có vi khuẩn trong cơ thể (chuột vô trùng). Kết quả, họ phát hiện những con chuột nhận vi khuẩn từ phụ nữ bị đau cơ xơ hóa có dấu hiệu nhạy cảm hơn với cơn đau khi chịu áp lực, chịu nóng và chịu lạnh so với những con chuột nhận vi khuẩn từ phụ nữ khỏe mạnh. Nhóm chuột này cũng cho thấy nhiều bằng chứng hơn về cơn đau tự phát.

Tiếp theo, nhóm cấy phân từ phụ nữ khỏe mạnh vào những con chuột trước đó đã được cấy vi khuẩn liên quan đến bệnh đau cơ xơ hóa và được điều trị bằng kháng sinh. Những con chuột này cho thấy các triệu chứng đau thuyên giảm sau khi được cấy. Những con chuột nhận cả hai loại vi khuẩn (từ người bệnh và người khỏe) nhưng không được dùng kháng sinh thì không có sự cải thiện nào.

Sau đó, nhóm tiến hành thử nghiệm với 14 phụ nữ bị đau cơ xơ hóa nghiêm trọng và kháng trị, trong đó có bà Green. Tất cả những người tham gia được cho dùng kháng sinh và sau đó, trong hơn mười tuần, thường xuyên uống viên nang chứa vi khuẩn đường ruột từ phụ nữ khỏe mạnh. Kết quả, 12 người báo cáo sự cải thiện các triệu chứng như đau nhức, lo âu và rối loạn giấc ngủ. Mệt mỏi là một tác dụng phụ phổ biến của phương pháp điều trị này.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng vi khuẩn đường ruột từ những người bị đau cơ xơ hóa có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch tấn công các mạch thần kinh liên quan đến cơn đau. Các vi khuẩn này cũng chuyển hóa các hợp chất do gan người tiết ra thành các phân tử có thể ảnh hưởng đến độ nhạy cảm với cơn đau.

Không có nhóm đối chứng và tất cả những người tham gia đều biết họ đang được điều trị - theo các chuyên gia, đây là những hạn chế có thể làm sai lệch kết quả của thử nghiệm. Nhưng họ đánh giá cao việc nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng rằng hệ vi sinh vật ít nhất là một trong nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra cơn đau ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Và kết quả này có thể dẫn đến các liệu pháp không dựa trên thuốc giảm đau.

Nhóm của Minerbi hiện đang thực hiện một thử nghiệm lâm sàng lớn hơn với 80 người tham gia, bao gồm một nhóm đối chứng. Ông tin tưởng các thử nghiệm lâm sàng trong tương lai sẽ giúp xác định các vi khuẩn cụ thể gây ra cơn đau nhức ở người bệnh đau cơ xơ hóa. Những vi khuẩn này sau đó có thể được thay thế hoặc loại bỏ.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Neuron mới đây.

Phạm Nhung
Theo www.khoahocphattrien.vn (nnttien)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->