Sinh vật [ Đăng ngày (10/05/2025) ]
Quảng Trị: Nuôi cá chim vây vàng ở ao tôm bỏ hoang
Mô hình nuôi thâm canh cá chim vây vàng mở ra triển vọng cho vùng ven biển bãi ngang tại tỉnh Quảng Trị - nơi từng phát triển mạnh nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng gần đây gặp khó khăn do liên tục bị dịch bệnh.

Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ở vùng ven biển và vùng hạ lưu các sông lớn. Người dân nơi đây thường nuôi tôm, cua, cá, ốc hương,…; trong đó tôm thẻ chân trắng được nuôi nhiều nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi tôm ở Hải Lăng khó khăn do dịch bệnh, giá cả đầu vào cao, chi phí sản xuất tăng, thị trường không ổn định,… Vì vậy, nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ, bỏ hoang ao nuôi.

Trước thực trạng đó, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi nước mặn, lợ vùng ven biển bãi ngang đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản tại Hải Lăng, Sở KH&CN Quảng Trị đã triển khai đề tài “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị là đơn vị chủ trì thực hiện.

Cá chim vây vàng - hay còn gọi là cá chim trắng vây vàng - là đối tượng nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao, đang được phát triển ở các tỉnh Nam Trung bộ. Cá có thân hình dẹp, màu ánh bạc, vây vàng, tốc độ tăng trưởng nhanh, dễ nuôi, có thể phát triển với quy mô công nghiệp với các hình thức nuôi lồng, trong ao đất, trong các thủy vực nước lợ và nước mặn.

Mô hình được thực hiện trong ao nuôi lót bạt trên cát của một hộ dân tại thôn Thuận Đầu, xã Hải An, huyện Hải Lăng, với diện tích 2.000m2 (0,2ha) với 6.000 con cá giống kích cỡ 300 con/kg, lấy từ Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ. Toàn bộ chi phí con giống, thức ăn và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi đều được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ. Ao nuôi này trước đây vốn được hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng nay bị bỏ hoang do khoảng 5-6 năm trở lại đây dịch bệnh phát sinh liên tục, hầu như năm nào cũng thất bát.

Đề tài tập trung nghiên cứu hoàn thiện khâu kỹ thuật nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGAP. Theo đó, điều kiện tốt nhất cho cá chim vây vàng sinh trưởng và phát triển tốt là khoảng nhiệt độ từ 26-32oC, độ mặn từ 10-25 ‰. Mực nước trong ao phải luôn được đảm bảo từ 1,2m trở lên. Chọn những con giống khỏe mạnh, không dị tật dị hình, không có yếu tố bệnh lý, kích thước đồng đều từ 6-8cm và thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Lưu ý, cá giống được thuần độ mặn (giúp cá thích nghi dần với độ mặn của môi trường nuôi bằng cách tăng độ mặn dần cho đến khi bằng độ mặn của ao nuôi) trước khi đem thả, độ mặn chênh lệnh ở ao và cơ sở sản xuất giống không quá 5‰.

Trong quá trình nuôi, người dân thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và tình trạng sức khỏe của cá để có những biện pháp xử lý kịp thời. Thay 20-50% khối lượng nước trong ao ít nhất 2 lần/tuần. Tăng cường chạy quạt và sục khí vào những ngày có thời tiết thay đổi bất thường, từ 23 giờ đêm đến 5h sáng hay những thời điểm nắng gắt.

Thức ăn được sử dụng trong quá trình nuôi là thức ăn công nghiệp, dạng viên nổi, chuyên dùng cho cá nước lợ và nước mặn với độ đạm trên 35%. Ngoài ra, định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá, đặc biệt vào những ngày thời tiết cực đoan. Phòng bệnh cho cá bằng cách sử dụng fomalin 20ppm (20ml/m³) hằng tháng nhằm sát trùng môi trường nước nuôi, diệt ký sinh trùng trên cá.

Theo chủ hộ thực hiện mô hình, mặc dù là đối tượng nuôi mới, nhưng cá chim vây vàng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chống chịu tốt với các thay đổi của môi trường, chi phí thức ăn thấp, phát triển khá nhanh. Kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng cũng không khó như nuôi tôm và các đối tượng thủy sản khác nên hạn chế được rủi ro, người nuôi cũng ít vất vả hơn. Tuy nhiên, khi thả nuôi cá chim vây vàng, cần chú ý cải tạo ao nuôi, xử lý mầm bệnh và vi sinh vật có hại. Do cá chim vây vàng có nhu cầu ngưỡng oxy cao, nên phải bố trí máy quạt nước đầy đủ trong ao nuôi.

Theo nhóm thực hiện, sau hơn sáu tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân khoảng 0,5-0,6 kg/con, tỉ lệ sống trên 90%. Sản lượng thu hoạch trên 2,9 tấn. Sau khi trừ chi phí, mô hình cho lợi nhuận 50 triệu đồng (tương đương 250 triệu/ha).

Trên cơ sở kết quả của mô hình sản xuất thử nghiệm, bà con nông dân trên địa bàn xã Hải An đã tiếp tục nhân rộng thêm 0,6 ha, số lượng giống thả hơn 21 ngàn con, đến nay cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng với nhiều ưu điểm như dễ nuôi, ít bệnh, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho vùng nuôi nước mặn, lợ tại Hải Lăng, và có thể nhân rộng thành đối tượng nuôi chủ lực theo quy mô công nghiệp trên địa bản tỉnh.

Thạch Thảo
Theo www.khoahocphattrien.vn (nnttien)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->