Biến đổi khí hậu làm đại dương nóng lên và giàu axit hơn, khiến san hô khó xây dựng và duy trì bộ xương khoáng của chúng và dần tan rã. Nhưng có một điểm sáng bất ngờ: theo nghiên cứu được trình bày tuần trước tại một hội nghị của Liên minh Địa vật lý châu Âu, các rạn san hô đang tan rã sẽ làm chậm biến đổi khí hậu bằng cách tăng khả năng hấp thụ CO₂từ khí quyển của đại dương.
San hô xây dựng bộ xương của chúng từ khoáng chất canxi cacbonat. Chúng cùng nhiều sinh vật biển khác tạo ra chất trắng, cứng như đá bằng cách rút ion cacbonat từ nước và khóa chúng lại dưới dạng rắn. Bộ xương san hô hoạt động như một giàn giáo sống cho các hệ sinh thái rạn san hô đa dạng rực rỡ.
Các rạn san hô này không chỉ bị đe dọa bởi nhiệt độ tăng. Khí CO₂ khi được biển hấp thụ sẽ khởi động các phản ứng hóa học khiến nước trở nên axit hơn và làm giảm nồng độ ion cacbonat, khiến san hô khó hình thành bộ xương. Để cân bằng, đại dương sẽ hòa tan canxi cacbonat để khiến nước ít axit hơn. Ngay cả trong các kịch bản phát thải carbon ở mức trung bình, san hô được dự đoán sẽ bắt đầu tan rã nhanh hơn khả năng tự xây dựng lại trong thế kỷ này.
Bộ xương san hô có khả năng giữ lại carbon, vì vậy thoạt tiên có vẻ vô lý khi việc chúng tan rã lại giúp tăng khả năng lưu trữ carbon của đại dương. Nhưng việc hòa tan calcium carbonate làm giảm độ axit gấp đôi lượng carbon mà nó giải phóng; tổng thể, quá trình hòa tan này giúp khôi phục cân bằng pH của đại dương và tăng khả năng hấp thụ CO₂ từ khí quyển. Đến cuối thế kỷ này, đại dương có thể hấp thụ thêm tới 400 megaton carbon mỗi năm - vượt quá lượng phát thải hằng năm của Úc hoặc Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, phát hiện này hoàn toàn không có nghĩa con người có thể ngừng các nỗ lực giảm phát thải hay chấp nhận hy sinh đa dạng sinh học. “Ngay cả khi các rạn san hô chết có thể giúp ích một chút trong việc giảm biến đổi khí hậu, việc mất chúng sẽ phá hủy các hệ sinh thái quan trọng, nơi sinh sống của khoảng 25% các loài sinh vật biển”, Alban Planchat, nhà khoa học khí hậu tại ĐH Bern (Đức), lưu ý. |