Da mặt là vị trí dễ bị tác động bởi yếu tố từ môi trường bên ngoài như tia tử ngoại, ánh sáng, môi trường và mỹ phẩm. Da mặt nhạy cảm là một hội chứng ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến một tỷ lệ đáng kể dân số, đặc biệt ở nữ giới. Hội chứng này được đặc trưng bởi cảm giác chủ quan khó chịu như ngứa, châm chích, rát hoặc căng da, thường không kèm theo tổn thương thực thể rõ ràng. Dù đã có nhiều nghiên cứu quốc tế về đặc điểm da nhạy cảm, tuy nhiên tại Việt Nam chưa có khảo sát hệ thống và phân tích mối liên hệ giữa biểu hiện các triệu chứng với chỉ số sinh lý da khách quan trên vùng da mặt nhạy cảm.
Da nhạy cảm (sensitive skin) là tình trạng da có phản ứng cảm giác quá mức với các kích thích thông thường như thay đổi nhiệt độ, tiếp xúc vật lý hoặc mỹ phẩm, trong khi không có tổn thương thực thể rõ ràng. Người bệnh thường than phiền cảm giác ngứa, châm chích, rát, hoặc căng tức da, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hành vi chăm sóc da hằng ngày. Tỷ lệ da nhạy cảm trên thế giới dao động từ 50–60% ở nữ giới và khoảng 30–40% ở nam giới, thay đổi theo khu vực và chủng tộc. Tại châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, tỷ lệ này lên đến 70–80% ở nữ giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dữ liệu về dịch tễ, biểu hiện lâm sàng và đặc điểm sinh lý học của da nhạy cảm vẫn còn hạn chế. Về cơ chế, nhiều giả thuyết đã được đưa ra, trong đó có suy yếu hàng rào bảo vệ da (đặc biệt tăng TEWL: độ mất nước qua thượng bì), rối loạn cảm giác thần kinh ngoại vi (tăng cảm giác cảm thụ do hoạt hóa thụ thể TRPV1 (thụ thể tiềm năng thoáng qua loại vanilloid 1 cảm nhận đau và nhiệt độ) cùng với sự tham gia của các sợi thần kinh C ở thượng bì và viêm nhẹ dưới lâm sàng [. Một số nghiên cứu đã cho thấy sự tương quan giữa các triệu chứng cảm giác và các chỉ số sinh lý như TEWL, độ ẩm, pH da, tuy nhiên mối liên hệ này còn nhiều tranh cãi và chưa nhất quán giữa các nghiên cứu.
Mặc dù tình trạng da nhạy cảm ngày càng được quan tâm, tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều nghiên cứu phân tích cụ thể đặc điểm triệu chứng lâm sàng và mối liên quan với các chỉ số sinh lý da. Thiếu hụt này gây khó khăn trong việc chẩn đoán, đánh giá mức độ và theo dõi điều trị trên lâm sàng. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mô tả đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và các chỉ số sinh lý da ở bệnh nhân da mặt nhạy cảm, đồng thời phân tích mối liên hệ giữa triệu chứng chủ quan và các thông số sinh lý khách quan trên da mặt nhạy cảm tại Việt Nam.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025. Các bệnh nhân được đánh giá triệu chứng bằng bảng câu hỏi và đo các chỉ số sinh lý da bao gồm độ mất nước qua thượng bì (TEWL), độ ẩm, độ nhờn, độ đỏ da và sắc tố da bằng thiết bị Courage-Khazaka electronic GmbH. Mối liên hệ giữa các triệu chứng lâm sàng và chỉ số sinh lý được phân tích thông qua tương quan Spearman.
Kết quả: Có 45 bệnh nhân có biểu hiện da mặt nhạy cảm. Ngứa (91,1%), châm chích (60%) và rát (28,9%) là những triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất ở bệnh nhân da mặt nhạy cảm. Nhóm nghiên cứu không ghi nhận sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tần suất các triệu chứng lâm sàng giữa hai giới. Tuy nhiên, chỉ số độ đỏ da ở nam cao hơn nữ một cách có ý nghĩa thống kê (p = 0,040). Phân tích tương quan Spearman cho thấy một số triệu chứng như ngứa, châm chích, rát có xu hướng liên quan gần mức ý nghĩa với các chỉ số sinh lý như độ đỏ da và TEWL. Điều này cho thấy có mối liên hệ tiềm năng giữa cảm nhận chủ quan (ngứa, châm chích, rát) với sự biến đổi khách quan của hàng rào bảo vệ da (độ đỏ da, TEWL).
Kết luận: Các triệu chứng lâm sàng của da mặt nhạy cảm có liên quan nhất định đến sự thay đổi của các chỉ số sinh lý da, đặc biệt là các yếu tố phản ánh tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da như TEWL và độ đỏ. Kết quả này gợi mở vai trò tiềm năng của các chỉ số sinh lý trong việc đánh giá và theo dõi tình trạng da nhạy cảm một cách khách quan, hỗ trợ hiệu quả hơn cho chẩn đoán và điều trị lâm sàng. |