Tự nhiên [ Đăng ngày (07/05/2025) ]
Đặc điểm hình ảnh chụp cắt lớp vi tính của u dạng nang thanh dịch ở tụy
Các tác giả Đặng Nguyễn Trung An, Trần Thái Hoàng, Trương Thị Phương Thảo - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Mô tả đặc điểm hình ảnh của u dạng nang thanh dịch ở tụy trên hình chụp cắt lớp vi tính.

U tụy dạng nang thường gặp ở 2,5% dân số. Nhờ sự tiến bộ của các công cụ chẩn đoán hình ảnh (CĐHA), tổn thương này được phát hiện tình cờ trong 2,2% số ca chụp cắt lớp vi tính bụng chậu và lên đến 19,6% số ca chụp cộng hưởng từ (CHT) ổ bụng, 70% u tụy dạng nang không triệu chứng và hầu hết là lành tính. Tuy nhiên, một số tổn thương có tiềm năng ác tính lên đến 68%. Trong các loại u tụy dạng nang thì u dạng nang thanh dịch chiếm khoảng 16%, tần suất phát hiện ở phụ nữ cao hơn nam giới. U dạng nang thanh dịch là tổn thương thường phát triển hoàn toàn lành tính. Tuy nhiên, trong y văn trên thế giới vẫn ghi nhận các trường hợp u dạng nang thanh dịch ở tụy chuyển dạng ác tính và thường có xâm lấn đến các cơ quan lân cận, đặc biệt là gan. Mặc dù vậy tiên lượng của u dạng nang thanh dịch ở tụy chuyển dạng ác tính khá tốt so với các loại u tụy dạng nang khác với thời gian theo dõi trung bình trong 2 năm.

Hiện nay, các Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG), Hiệp hội Tụy học Quốc tế (IPA) và nhóm Nghiên cứu Châu Âu về khối u nang của Tụy đã đưa ra hướng dẫn về chiến lược chẩn đoán, theo dõi cũng như chỉ định phẫu thuật của một tổn thương u tụy dạng nang thanh dịch. Mặc dù vậy, trên thực tiễn lâm sàng việc phân biệt một u dạng nang thanh dịch ở tụy với các khối u dạng nang khác còn gặp nhiều khó khăn và trùng lấp về mặt hình ảnh, các xét nghiệm sinh hóa không đặc hiệu. Hiện tại ở các cơ sở y tế Việt Nam, các phương tiện hình ảnh đa lát cắt, đặc biệt là máy chụp cắt lớp vi tính (CLVT), được trang bị ngày càng phổ biến, chỉ định rộng rãi và cung cấp thông tin khá đầy đủ và hiệu quả về tổn thương tụy dạng nang thanh dịch. Do đó, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện nay nói chung và các phương tiện hình ảnh cắt lớp nói riêng có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán một khối u tụy dạng nang và dự đoán khả năng ác tính của nó.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Những bệnh nhân có kết quả giải phẫu bệnh là u dạng nang thanh dịch ở tụy, được chụp cắt lớp vi tính và phẫu thuật tại bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/10/2022.

Kết quả: Đường kính trung bình là 52,2 ± 27,7 mm. Đậm độ thành phần dịch nang của u trung bình là 12,6 ± 4,5 HU. Vị trí thường gặp của u là thân – đuôi tụy 52,5%. Hình thái thường gặp là u dạng nang nhỏ với 50%. Đa số u có đường bờ phân thùy 72,5%. Sẹo trung tâm u có tỉ lệ 37,5%. Vôi hóa trong u có tỉ lệ 32,5%.Mạch máu quanh u có tỉ lệ 57,5%. Giãn ống tụy chính thường do các khối u ở đầu – cổ tụy với tỉ lệ 35%. Xâm lấn, chèn ép các cơ quan khác thường do các khối u có kích thước lớn tỉ lệ 5%.

Kết luận: Qua nghiên cứu hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CLVT) của 40 bệnh nhân u dạng nang thanh dịch (UDNTD) ở tụy được thực hiện tại bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh từ 01/01/2015 đến 31/10/2022 cho thấy UDNTD thường gặp ở nữ giới, tỉ lệ nữ:nam là 3:1, tuổi trung bình là 52,8 tuổi. Ngoài ra, chúng tôi còn rút ra được một số kết luận về đặc điểm hình chụp CLVT của UDNTD ở tụy như thành phần dịch nang có đậm độ thấp, vị trí thường ở thân hoặc đuôi tụy, u dạng nang nhỏ thường gặp hơn, sẹo trung tâm u, vôi hóa trong u và mạch máu quanh u là những dấu hiệu giúp định hướng chẩn đoán UDNTD ở tụy.

tnxmai
Theo Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh (Tập 28 * Số 4 * 2025)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Lắng nghe bản thân
Nhằm hướng đến một lối sống an bình, tích cực, không lo âu. Sống cho giây phút hiện tại, chậm rãi quan sát và ghi nhận mọi thứ chính là mục tiêu của sống tỉnh thức. Dường như trong cuộc đời mỗi người đều đều sẽ phải trải qua những khoảng thời gian rơi vào guồng quay của công việc: ngày đi làm, tối về việc gia đình, rồi đi ngủ, sáng hôm sau một chu trình như vậy lại được lặp lại. Những lúc như thế nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng ép buộc bản thân mình quá mà hãy để cơ thể và tâm trí bạn có cơ hội để nghỉ ngơi.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->