Ảnh minh họa
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn là kinh tế gia công lắp ráp, chỉ gần 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra trong nước.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh mặt được, thể chế thương mại vẫn còn một số bất cập:
Một là, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính còn chậm.
Hai là, chưa thiết lập được một cơ chế đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả của từng công cụ và hệ thống công cụ quản lý cũng như cơ chế tạo lập mối liên hệ lâu dài, bền vững giữa sản xuất với lưu thông. Chưa có nhiều doanh nghiệp và hệ thống phân phối đủ mạnh, tương xứng với đối tác quốc tế trong quá trình hội nhập và mở cửa.
Ba là, “chuỗi giá trị” hay “liên kết bốn nhà” chưa chạm đến phần lõi thực tế. Thị trường miền núi, vùng cao, biên giới vẫn mang tính chất sơ khai của nền thương mại nhỏ.
Bốn là, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu cao, nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường còn chậm chuyển dịch. Nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý để tạo ra nhóm hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.
Năm là, tuy hệ thống thuế của Việt Nam đã được cải thiện khá nhiều trong những năm qua, nhưng nếu xét trên quan điểm của một hệ thống thuế quan hiện đại cho một nền kinh tế mở trong quá trình hội nhập, vẫn còn nhiều quy định cần điều chỉnh.
Sáu là, trong thời gian tới, hàng Việt Nam cũng sẽ vấp phải sức “công phá” mạnh mẽ của hàng ngoại “đổ bộ” vào. Điều này đặt ra vấn đề bảo vệ thị trường trong nước vừa bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế, vừa tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh.
Bảy là, trong hoạt động thương mại điện tử, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tám là, hệ thống thương mại toàn cầu đang trải qua thay đổi về kết cấu sẽ định hướng lại chuỗi cung ứng quốc tế trong nhiều thập niên tới.
Định hướng và giải pháp trong thời gian tới
Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế…
Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Đây là Nghị quyết đặc biệt quan trọng, lấy chuyển đổi số và công nghệ cao làm mũi nhọn phát triển và chấn hưng đất nước, là luồng gió mới, soi rõ con đường vươn lên phía trước của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết số 57-NQ/TW vừa là quyết tâm của Đảng, vừa thể hiện khát vọng của dân tộc, kịp thời, đúng thời điểm khi cả dân tộc chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Diễn biến trong năm 2024 cho thấy, kỳ vọng về tự do thương mại với dự báo sẽ làm cho “thế giới phẳng” hơn mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) làm nền tảng sẽ không còn và về thực tế sẽ càng ngày càng bị chính trị hóa. Kinh tế toàn cầu năm 2025 tiếp tục đối diện với rủi ro, bất định, khó lường.
Đẩy mạnh hội nhập thương mại chiều sâu, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy các hoạt động sử dụng công nghệ cao với kỹ năng chuyên sâu và thúc đẩy khu vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao, chuyển đổi sang mô hình sản xuất phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu… được xem là kim chỉ nam cho việc vận hành thể chế thương mại trong thời gian tới.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật. Mở rộng hợp tác khu vực để hài hòa hóa tiêu chuẩn; cần có biện pháp nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ việc nhập khẩu công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu.
Kết hợp thuế bảo vệ môi trường vào hệ thống thuế nhập khẩu. Thử nghiệm đấu giá giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Đây là chính sách cần thiết, tác động điều chỉnh trực tiếp đối với sản phẩm gây hại đến môi trường, phát thải chất gây hiệu ứng nhà kính.
Để hội nhập chủ động, hiệu quả, cần lưu tâm các vấn đề sau đây: 1- Rà soát, đối chiếu quy định pháp luật Việt Nam vừa bảo đảm phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, vừa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; 2- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đối ngoại, kiện toàn hệ thống cơ quan về hợp tác kinh tế quốc tế.
Đối với biện pháp phi thuế quan, phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể, gắn với tình hình thực tiễn từng thời kỳ, có thể nghiên cứu biện pháp phi thuế quan theo các nhóm biện pháp sau: Loại 1: Các biện pháp phi thuế quan phổ thông trong khuôn khổ WTO; Loại 2: Các biện pháp kỹ thuật; Loại 3: Các chính sách vĩ mô khác có tác động gián tiếp, như cơ chế tỷ giá hối đoái, thanh toán, lãi suất, tín dụng ngân hàng, chính sách đầu tư,... Về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, trước mắt, cần tiếp tục duy trì yêu cầu nội địa hóa như là một trong các điều kiện của đầu tư, nhưng giảm bớt số ngành, số sản phẩm thuộc đối tượng của chính sách này, chỉ tập trung vào một số ít sản phẩm quan trọng, thật cần thiết để kích thích sự phát triển của ngành có liên quan, tạo ra sản phẩm có thương hiệu Việt Nam. Về lâu dài, cần đưa ra lộ trình bãi bỏ quy định về nội địa hóa đối với tất cả sản phẩm.
Nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiến tới số hóa hồ sơ, số hóa quy trình, thủ tục, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Thêm vào đó, hiện nay mô hình kinh doanh trên nền tảng số đang chiếm lĩnh và lấn át mô hình truyền thống, cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số. Chính sách và quy định xuyên suốt để định hình nền kinh tế số vừa cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, điều kiện của Việt Nam; vừa bảo đảm tính hiện đại, xuyên suốt, bao phủ, như chính sách và quy định liên quan đến các luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ khách hàng, giao dịch điện tử, thuế…
|