Môi trường [ Đăng ngày (26/04/2025) ]
Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội
Huyện Ba Vì nằm ở Tây Bắc của TP. Hà Nội với cơ cấu hành chính gồm 30 xã và 1 thị trấn, dân số trên 312.700 người. Quá trình đô thị hóa trong những năm gần đây đã kéo theo gia tăng chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là ở các thị trấn, thị tứ và các khu vực gần khu công nghiệp. Hiện nay, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Ba Vì đều đưa về xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn. Đây là Khu xử lý lớn thứ 2 của Hà Nội rộng khoảng 25,2ha, tiếp nhận mỗi ngày 1.500 tấn rác sinh hoạt từ huyện Ba Vì và 12 huyện, thị xã ngoại thành. Tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn các ô chôn lấp đã quá tải, lưu lượng nước rỉ rác đang phát sinh từ 700 - 800 m3/ngày, đêm trong khi trạm xử lý nước thải chỉ đạt công suất 700 m3/ngày, đêm. Rác thải, mùi hôi của bãi rác là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất ở khu vực xung quanh, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân lân cận.

Bài viết phân tích thực trạng quản lý, những khó khăn thách thức trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Ba Vì.

1. Thực trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Ba Vì

1.1. Nguồn gốc và thành phần chất thải rắn sinh hoạt

Sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) là nguyên nhân chính làm tăng lượng và thành phần chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, thành phần và tính chất của chất thải rắn sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn phát thải, vị trí địa lý, địa hình và khí hậu khu vực. Theo khảo sát, ở huyện nông thôn miền núi như Ba Vì, chất thải rắn sinh hoạt có tỷ lệ chất hữu cơ cao (50-65%), chủ yếu là thực phẩm thải và chất thải vườn và được tái sử dụng cho chăn nuôi, làm phân bón, hoặc tái chế, dẫn đến lượng chất thải thu gom thực tế nhỏ hơn so với lượng phát sinh. Do sự phát triển kinh tế và chuyển đổi ngành nghề trên địa bàn huyện Ba Vì, tỷ lệ chất thải vô cơ (như gạch đá, tro, ni lông) cũng tăng lên, phản ánh sự thay đổi từ một huyện nông thôn miền núi sang công nghiệp hóa và phát triển dịch vụ.

1.2. Khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của từng hộ gia đình phụ thuộc vào hoàn cảnh, mức độ tiêu dùng khác nhau và thay đổi theo nhu cầu sinh hoạt của mỗi gia đình. Ngoài ra, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày của người dân trong huyện phụ thuộc nhiều vào nghề nghiệp như: Công nhân viên chức, hộ kinh doanh dịch vụ, hộ sản xuất chăn nuôi… xử lý chất thải của huyện. Sự gia tăng đáng kể về lượng chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Ba Vì trong những năm tới, chủ yếu do sự tăng trưởng nhanh của dân số. Việc này đòi hỏi huyện cần có các biện pháp quản lý chất thải bền vững để xử lý lượng rác thải ngày càng lớn, như mở rộng cơ sở hạ tầng xử lý rác hoặc khuyến khích tái chế, giảm thiểu rác thải.

Tính đến năm 2023, dân số huyện Ba Vì khoảng 312.700 người với hệ số phát thải trung bình trên địa bàn huyện là 0,81kg/ngày, tương đương khoảng 253 tấn/ngày, tốc độ gia tăng khoảng 8,1%/năm. Theo Báo cáo của UBND huyện Ba Vì, ước tính đến năm 2030 dân số huyện Ba Vì là khoảng 539.396 người, tương đương phát sinh 437 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày. Ước tính diễn biến gia tăng dân số và chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2023 - 2030. Điều này phản ánh rõ tác động của tăng trưởng dân số đối với khối lượng rác thải, tạo áp lực lên hệ thống Ngoài ra, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Ba Vì còn gặp nhiều tồn tại do đặc điểm huyện miền núi với địa hình phức tạp và nguồn lực hạn chế. Ý thức người dân về BVMT còn thấp. Huyện cũng gặp khó khăn về ngân sách nên việc đầu tư trang thiết bị còn hạn chế. Hơn nữa, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, gây khó khăn cho công tác giám sát và xử lý ô nhiễm.

1.3. Về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo Báo cáo kết quả trong 6 tháng đầu năm 2023 của UBND huyện Ba Vì, trên địa bàn huyện đã duy trì được công tác vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, công tác thu gom phân loại rác được đẩy mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ùn ứ do điểm tập kết không đủ đáp ứng, người dân xả rác tự phát không đúng nơi quy định, quá trình thu gom còn thủ công gồm các xe đẩy tay, xe cải tiến thu gom rác về điểm tập kết tại từng địa bàn xã.

Để nâng cao nhận thức và tăng cường công tác BVMT, UBND huyện Ba Vì đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND các xã, thị trấn và phòng, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường. Trong đó, huyện Ba Vì ký kết với Công ty CP Môi trường đô thị Sông Hồng là đơn vị thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn.

Hiện chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Ba Vì đang được xử lý tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn diện tích 2,52 ha với công suất 1.500 tấn/ngày, nhưng hiện nay đã quá tải. Lượng nước rác phát sinh (700-800 m³/ngày) vượt khả năng xử lý do trạm nước rác ngừng hoạt động, gây ô nhiễm môi trường và mùi hôi nghiêm trọng.

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4858/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đến năm 2030 với quy mô mở rộng là 57 ha trên cơ sở KXL hiện có. Việc áp dụng công nghệ xử lý phù hợp để giảm thiểu ô nhiễm và biến rác thành tài nguyên là cần thiết nhằm giải quyết vấn đề môi trường một cách bền vững.

Ngoài ra, vừa qua, Công ty Cổ phần Công nghệ Môi Trường Xanh Seraphin đã đầu tư Dự án “Nhà máy điện rác Seraphin” tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Dự án khởi công vào quý IV/2020 và hiện nay đã đưa vào vận hành. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt thu hồi năng lượng nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu tình trạng chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường và tạo ra nguồn năng lượng xanh, sạch, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao của TP. Hà Nội.

Công nghệ đốt với nhiều ưu điểm xử lý triệt để được lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, tiết kiệm quỹ đất, chi phí xử lý nước thải, giảm đáng kể nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí và nước, an toàn cho người lao động, dễ dàng vận hành và quản lý, chi phí vận hành thấp. Dự án “Nhà máy điện rác Seraphin” theo cơ chế xã hội hóa giúp giảm chi phí đầu tư công cho xây dựng các khu xử lý CTR, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Công nghệ đốt với công suất 1.250 tấn/ngày tiết kiệm diện tích đất đáng kể so với phương pháp chôn lấp. Cụ thể, ước tính để xử lý CTR trong 30 năm theo phương pháp chôn lấp cần khoảng 260,7 ha, trong khi công nghệ đốt chỉ cần 55,9 ha giúp tiết kiệm hơn 204,8 ha đất. Nhà máy điện rác Seraphin cũng dự kiến tái chế tro xỉ và tro bay làm vật liệu xây dựng, góp phần giảm diện tích chôn lấp tro, tiết kiệm quỹ đất, ngân sách nhà nước và phục vụ kinh tế tuần hoàn.

2. Kết luận

Huyện Ba Vì đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng về khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, dự kiến sẽ tăng từ 253 tấn/ngày (năm 2023) lên 437 tấn/ngày (năm 2030). Trong đó, thành phần rác thải hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn (50-54%), phần còn lại là chất thải vô cơ và các loại rác khó phân hủy, chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, gây ra ô nhiễm thứ cấp như không khí, môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người.

Để khắc phục tình trạng trên, bài viết đề xuất một số giải pháp như: Ưu tiên xã hội quá công tác thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phổ biến các hướng dẫn, chính sách về phân loại rác tại nguồn; tăng cường giám sát, quản lý và xử phạt vi phạm việc xử lý phân loiaj rác; mở rộng cơ chế, tăng cường hợp tác với các đơn vị doanh nghiệp triển khai các chiến dịch BVMT hiệu quả. Đặc biệt, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh như công nghệ đốt rác phát điện vừa đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đồng thời mang lại lợi ích kinh tế; nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Ba Vì.

dtnkhanh (TH)
Theo Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt số 04 (2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->