Người tiêu dùng tại Liên minh châu Âu (EU) hiện có thể dễ dàng lựa chọn thiết bị tiết kiệm năng lượng thông qua hệ thống nhãn năng lượng chuẩn hóa. Nhãn này hiển thị mức hiệu suất từ A (cao nhất) đến G (thấp nhất), giúp nhận diện các sản phẩm vận hành hiệu quả, tiêu thụ ít điện năng và giảm chi phí sử dụng trong dài hạn.
Nhãn năng lượng lần đầu được EU áp dụng từ những năm 1990, bắt đầu với sản phẩm tủ lạnh vào năm 1994. Trải qua nhiều cải tiến, hiện nay hệ thống nhãn được đơn giản hóa và tích hợp mã QR, giúp người dùng truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu EPREL (Cơ quan đăng ký sản phẩm có nhãn năng lượng của EU).
Tiết kiệm năng lượng và chi phí cho hộ gia đình
Theo Báo cáo Tác động của Thiết kế sinh thái EU năm 2024, nhờ nhãn năng lượng và các quy định thiết kế sinh thái, mỗi hộ gia đình ở EU đã tiết kiệm được trung bình từ 182 đến 266 euro trong năm 2022. Con số này dự kiến sẽ tăng lên từ 473 đến 736 euro vào năm 2030. Ngoài hộ gia đình, mức tiết kiệm còn lan rộng đến các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ và công nghiệp.
Sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao không chỉ làm giảm chi phí vận hành, mà còn góp phần giảm lượng điện tiêu thụ toàn khu vực, từ đó giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia.
Đổi mới công nghệ và nâng cao khả năng cạnh tranh
Việc người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm có nhãn năng lượng là tín hiệu rõ ràng thúc đẩy các nhà sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến thiết kế và đầu tư vào các giải pháp bền vững hơn. Thị trường ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu tốn điện năng, buộc doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng và hiệu suất.
Xu hướng này đang tạo ra động lực phát triển bền vững trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện – điện tử tại EU, đồng thời hỗ trợ khối này duy trì vị thế cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh các quốc gia đều hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon.
Các sản phẩm thuộc phạm vi áp dụng
Các quy định về thiết kế sinh thái và nhãn năng lượng của EU được áp dụng cho nhiều nhóm sản phẩm: thiết bị nhà bếp, hệ thống sưởi – làm mát – thông gió, thiết bị chiếu sáng, sản phẩm điện tử, lốp xe và thiết bị công nghiệp. Tất cả sản phẩm phải được đăng ký tại cơ sở dữ liệu EPREL trước khi lưu hành trên thị trường EU, bất kể có xuất xứ trong hay ngoài khối.
Mỗi nhãn năng lượng mới cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng hàng năm và các thông số phi năng lượng bổ sung, phụ thuộc vào sản phẩm, như độ ồn, lượng nước tiêu thụ, dung tích, khả năng sửa chữa và độ bền.
Từ năm 2021, nhãn năng lượng mới được áp dụng cho năm nhóm thiết bị gồm: máy rửa bát, máy giặt, máy giặt – sấy, tủ lạnh – tủ đông và đèn chiếu sáng. Mỗi nhãn đều hiển thị thang điểm A–G và tích hợp mã QR giúp người tiêu dùng quét để kiểm tra thông tin chi tiết và so sánh các sản phẩm tương tự.
Từ tháng 6 và tháng 7 năm 2025, hệ thống nhãn dán mới sẽ tiếp tục mở rộng sang các sản phẩm điện tử phổ biến như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy sấy quần áo – những mặt hàng có mức tiêu thụ năng lượng đáng kể trong đời sống hiện đại.
|