Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (12/04/2025) ]
Thời tiết thuận lợi cho nhiều sâu bệnh phát sinh, gây hại lúa xuân
Tại Huế, nhiều sâu bệnh đã phát sinh, gây hại lúa xuân, trong khi dự báo thời tiết trong tháng 4 còn có các đợt không khí lạnh, nồm ẩm, dễ bùng phát sâu bệnh.

Nhiều sâu bệnh phát sinh, gây hại

Vụ đông xuân 2024 - 2025, thành phố Huế gieo cấy trên 27.900ha lúa. Hiện cây lúa đang giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ, dự kiến trổ tập trung từ ngày 10 - 20/4. Nhìn chung lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tuy nhiên các đối tượng sinh vật gây hại trên đồng ruộng như bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn… đã xuất hiện, khả năng gây hại trên lúa giai đoạn trổ đến ngậm sữa, chắc xanh.

Ghi nhận tại thị xã Phong Điền, vụ đông xuân năm nay địa phương này gieo cấy khoảng 4.950ha lúa. Loay hoay phun thuốc vừa xong, ông Nguyễn Ngọc Bảng (54 tuổi, trú thôn Đại Phú, xã Phong Chương) chia sẻ, vụ này gia đình đưa vào sản xuất chủ yếu 2 giống lúa ngắn ngày chất lượng cao là HG12 và HG244 trên diện tích 1,5ha.

“Tôi có tham gia HTX trên địa bàn, từ đầu vụ đến nay tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật theo sự hướng dẫn của chính quyền, cán bộ khuyến nông và HTX đề ra. Tôi đã theo dõi sâu bệnh, nấm và đã bơm thuốc cỏ, thuốc ngừa đạo ôn…, ít ngày nữa sẽ tiếp tục bơm thuốc khác để phòng trừ, đồng thời cập nhật thời tiết liên tục” ông Bảng nói.

Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Phong Điền thông tin, tại địa bàn đến nay có 45ha lúa một vụ và lúa gieo sạ sớm của một số đơn vị như Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền, Phong Thạnh đã trổ, diện tích lúa trà chính đang giai đoạn đứng cái - làm đòng. Qua điều tra trên đồng ruộng, hiện xuất hiện một số sâu bệnh hại, bệnh đạo ôn lá xuất hiện cục bộ trên các giống nhiễm, bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên các chân ruộng gieo sạ dày, sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác. Ngoài ra, bệnh vàng lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá gây hại cục bộ, rải rác.

“Trung tâm đã hướng dẫn, chỉ đạo người dân quản lý và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa vụ đông xuân. Ngoài ra, khuyến cáo nông dân trong giai đoạn lúa làm đòng - trổ, chắc xanh cần giữ nước trong ruộng ổn định, hợp lý, không nên tháo cạn nước sớm, chỉ nên rút nước trước khi thu hoạch từ 7 - 10 ngày. Thời điểm phun thuốc phòng trừ các đối tượng gây hại nên phun vào lúc chiều mát để đảm bảo hiệu quả…” ông Quang cho hay.

Cũng theo ghi nhận, nhiều cánh đồng lúa ở các địa phương khác như Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang… các đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện rải rác khiến nông dân khá lo lắng, trong khi thời tiết vẫn còn lạnh, sương mù, độ ẩm cao khiến nguy cơ sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại mạnh.

Hơn 445ha nhiễm đạo ôn lá

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Vang, các HTX trên địa bàn huyện đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa đông xuân. Tiến hành tỉa dặm để đảm bảo mật độ, thực hiện bón phân theo đúng quy trình, tổ chức bắt ốc bươu vàng và diệt chuột theo các đợt bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học.

Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp điện, bơm nước kịp thời theo yêu cầu sản xuất, không để ruộng thiếu nước. Đồng thời, đơn vị tăng cường bám sát địa bàn, cùng bà con nông dân chủ động dự báo tình hình sâu bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có sâu bệnh xuất hiện, không để sâu bệnh lây lan trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Huế, dự báo trong tháng 4 ngoài đợt không khí lạnh đang diễn ra thì thành phố Huế có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, tập trung trong thời kỳ đầu và giữa tháng, xen kẽ có các đợt nắng, đêm và sáng sớm có sương mù, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển như bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, bệnh khô vằn và sâu cuốn lá nhỏ, bệnh thối thân thối bẹ...

Hiện các đối tượng sinh vật gây hại trên đồng ruộng ở Huế chủ yếu là bệnh đạo ôn lá (diện tích nhiễm 445ha, tỷ lệ nhiễm 5 - 10%, cục bộ 30 - 50%); bệnh khô vằn 350ha, tỷ lệ 1 - 3%, nơi cao 5 - 10%; sâu cuốn lá nhỏ mật độ 1 - 3 con/m2, nơi cao 5 - 10 con/m2.

Ông Hồ Đính - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Huế thông tin, Sở Nông nghiệp và Môi trường và Chi cục đã và đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn các HTX và bà con nông dân tăng cường quản lý, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa, đặc biệt là phun trừ…

Văn Dinh
Theo https://nongnghiep.vn(ntdinh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->