Sinh vật [ Đăng ngày (08/03/2025) ]
Đánh giá hiệu quả quy trình nuôi cá trê vàng (Clarias macrocephalus) trong hệ thống tuần hoàn kết hợp xử lý chất thải
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của quy trình nuôi cá trê vàng (Clarias macrocephalus) trong hệ thống tuần hoàn (RAS) kết hợp xử lý chất thải. Thí nghiệm được thực hiện trong hệ thống tuần hoàn với thể tích 4 m3 nước nuôi trong thời gian 4 tháng.

Ảnh minh họa: Internet

Cá trê vàng (Clarias macrocephalus) là loài đặc trưng cho khu hệ cá hạ lưu sông Mê-Kông và khu vực Đông Nam Á. Chúng có đặc điểm dễ nuôi, mau lớn, ít bệnh, sống được trong môi trường nước tù, có thể nuôi ở mật độ cao và cho năng suất cao. Đồng thời cá trê vàng dễ dàng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường do chúng có hương vị thơm ngon và giá cả tương đối bình dân (Zidni & cs., 2013). Do đó nhiều hộ đã chuyển từ nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản (NTTS- chiếm 52%), đồng thời những hộ có ao bỏ trống (do nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn, thua lỗ-chiếm 48%), đã chuyển sang nuôi cá trê, nhằm góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống gia đình (Phạm, 2014). Điều này đã dẫn đến ô nhiễm môi trường nước do sự hấp thu thức ăn của cá thấp, chỉ khoảng 30% lượng thức ăn sử dụng và dẫn đến sản xuất kém hiệu quả (Avnimelech, 2007; Ekasari, 2009). Sự tích tụ nhanh chóng của thức ăn dư thừa, hợp chất chuyển hóa và độc hại có tác động đến sự xuất hiện của dịch bệnh hoặc cá chết, cuối cùng gây ra tổn thất và các vấn đề ô nhiễm môi trường (Avnimelech, 2007; Crab & cs., 2007; de Schryver & cs., 2008; Ekasari, 2009).

Chất thải trong ngành NTTS phụ thuộc vào loài được nuôi, hệ thống nuôi và môi trường cung cấp nước (Boyd & Queiroz, 2001). Hàm lượng dinh dưỡng trong các ao nuôi cá thâm canh rất cao, một số ao nuôi cá trê ở Châu Phi có nồng độ H2S là 0,4 mg/L, N-NH4+ là 1,8 mg/L, NH3 là 0,5 mg/L và COD là 48 mg/L (Haylor, 1989; Peteri & cs., 1989). Ở Việt Nam, kết quả chất lượng nước nuôi cá trê vàng lai ở mật độ 100-180 con/m2 của Đoàn (2008) cho thấy COD dao động từ 79 -106 mg/L, TKN dao động từ 10,72-12,83 mg/L, PO43--P dao động từ 1,03-1,74 mg/L, DO 0,22-0,34 mg/L. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Srithong & cs. (2015) cho thấy TSS, amoniac và nitrite của hệ thống tuần hoàn nuôi cá trê vàng lai là 62,21-111,65 mg/L, 2,01-3,88 mg-N/L và 1,10-4,50 mg-N/L (lắng tấm tách); 63,90-90,56 mg/L, 1,55-2,86 mg-N/L và 1,02-3,50 mg-N/L (lắng xoáy), thấp hơn so với  hệ thống nuôi truyền thống có thay 50% nước mỗi ngày (TSS, amoniac và nitrite lần lượt là 200,73-478,73 mg/L, 5,94-19,46 mg-N/L và 3,23-20,56 mg-N/L). Do vậy, người nuôi đã chuyển từ NTTS truyền thống sang các mô hình NTTS tuần hoàn. Hệ thống NTTS tuần hoàn (RAS) là hệ thống khép kín liên tục lọc và tái sử dụng nước có lợi thế về giảm lượng nước tiêu thụ, cho phép nuôi cá quy mô lớn với lượng nước nhỏ và chất thải ít hoặc không gây ô nhiễm, giúp cho việc quản lý chất thải, tái sử dụng chất dinh dưỡng, quản lý dịch bệnh tốt hơn) và kiểm soát ô nhiễm sinh học (Zohar & cs., 2005; Tal & cs., 2009). Thiết kế và quản lý RAS hợp lý là cơ sở cho việc quản lý thành công trong xử lý chất thải NTTS. Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu về ứng dụng RAS nuôi cá trê vàng (Nguyễn & cs., 2018, 2019, 2020, 2021, 2022), tuy nhiên chỉ được thực hiện ở các mức thí nghiệm ở các hệ thống bể nuôi 100 lít để tìm ra những thông số cơ bản cho quy trình nuôi. Vì vậy, nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả quy trình nuôi cá trê vàng (Clarias macrocephalus) trong hệ thống tuần hoàn kết hợp xử lý chất thải” được thực hiện nhằm góp phần xây dựng mô hình nuôi cá trê vàng thương phẩm trong RAS và đánh giá được hiệu quả của quy trình nuôi cá trê vàng trong RAS và hiệu quả xử lý chất chải của RAS nuôi cá trê vàng.
Cá trê vàng nuôi trong RAS đạt khối lượng 141,0-157,8 g/con, tỉ lệ sống 73,74-88,30%, năng suất đạt 100,7-141,8 kg/m3 và FCR là 1,02-1,29 sau 120 ngày nuôi. Khối lượng (y) của cá theo ngày nuôi (x) được thể hiện bằng phương trình y = 1,2397x – 3,4465 (R² = 0,9697) với tốc độ tăng trưởng tương đối 2,05%/ngày. Bể lọc sinh học xử lý được 32,50% lượng TSS, 3,42% lượng COD, 6,49% lượng PO43- và bể bèo xử lý được 24,07% lượng TSS, 0,37% lượng COD, 17,55 % lượng NO3-, 5,34% lượng PO43-, 12,82% lượng TN của hệ thống nuôi. Lượng nước sử dụng để sản xuất 1 kg cá trê vàng trong RAS là 0,2 m3 nước. Quy trình nuôi cá trê vàng trong RAS có thể được ứng dụng ở quy mô nông hộ nhỏ trong các khu vực đô thị. Dựa trên các thông số cơ sở đã có được, có thể tính toán để xây dựng RAS nuôi cá trê vàng kết hợp xử lý chất thải ở các quy mô trang trại.

nnttien
Theo Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, Tập 14, Số 2 (2025)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn





© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->