Môi trường [ Đăng ngày (28/02/2025) ]
Ứng dụng GIS thành lập bản đồ sinh khí hậu du lịch thành phố đà nẵng
Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information Systems) là một hệ thống công cụ máy tính để thu thập, lưu trữ, kiểm tra và hiển thị dữ liệu liên quan đến các vị trí trên bề mặt Trái đất. GIS được ứng dụng trong nhiều nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực nhằm phục vụ công tác quản lý, đánh giá hiện trạng của các đối tượng nghiên cứu. Lê Quang Cảnh và nhóm tác giả đã ứng dụng GIS để xây dựng bản đồ bị tổn thương do nước biển dâng gây ra đối với diện tích đất trồng lúa ở dải ven biển tỉnh Phú Yên. Bùi Thu Phương, Nguyễn Thị Lệ Hằng đã sử dụng GIS để nghiên cứu, đánh giá thực trạng của công tác quản lý đất đai và biến động đất đai cấp huyện. Nghiên cứu của Phạm Trí Công đã sử dụng GIS/GPS để xây dựng hệ thống quản lý mất rừng, giúp xác định chính xác vị trí và diện tích các điểm mất rừng, xác định nhanh chóng ranh giới các điểm mất rừng và giúp xác định chính xác và nhanh chóng đường đi đến điểm mất rừng. Công nghệ GIS đã được Vũ Lê Ánh, Lê Thị Minh Phương sử dụng để phân tích, thành lập bản đồ khu vực ô nhiễm không khí và tính toán số lượng nhà dân nằm trong vùng thiệt hại tại quận Thanh Xuân khi xảy ra vụ cháy công ty Rạng Đông. Ứng dụng GIS cũng được sử dụng trong các nghiên cứu như xây dựng bản đồ ô nhiễm nước mặt tại thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, thành lập bản đồ nguy cơ trượt lở huyện Xín Mần, Hà Giang, quản lý lịch sử biến động của thửa đất, xây dựng bản đồ chất lượng nước mặt khu vực khai thác khoáng sản tại huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Có thể thấy, các bản đồ được thành lập đã giúp thể hiện dữ liệu về các đối tượng nghiên cứu theo không gian, từ đó hỗ trợ công tác đánh giá và quản lý sự việc, hiện tượng hiệu quả hơn.

Khí hậu là yếu tố quan trọng đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của một khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ, đặc biệt là các lĩnh vực gắn liền với các yếu tố thời tiết như nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch… Sự phân hóa của khí hậu theo không gian và thời gian là một trong những nhân tố dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu hoạt động của từng ngành. Đối với ngành du lịch, khí hậu tác động đến hoạt động du lịch ở hai mặt phù hợp với sức khỏe của con người trong quá trình đi du lịch và điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức du lịch tại điểm tài nguyên. Đánh giá sinh khí hậu (SKH) là xác định rõ sự phân hóa giữa các vùng khí hậu theo không gian lãnh thổ để chỉ ra những khu vực thuận lợi hay không thuận lợi cho hoạt động du lịch. Việc đánh giá SKH cũng đã được thực hiện trong các nghiên cứu liên quan đến ngành du lịch tại một số trung tâm du lịch Việt Nam hay Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Định… Nguyễn Khanh Vân đã đánh giá tổng hợp thích nghi sinh thái tài nguyên SKH bằng phương pháp thang điểm có trọng số với các đặc trưng SKH riêng như số tháng có số giờ nắng/ngày, biên độ nhiệt năm, nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất, lạnh nhất…, từ đó thể hiện rõ nét các đặc điểm tài nguyên SKH trên lãnh thổ Việt Nam và sự phù hợp của SKH đối với các loại hình du lịch theo từng địa phương cụ thể. Hoàng Thị Kiều Oanh cũng đã dựa trên hệ thống các tiêu chí phân loại SKH để thành lập bản đồ SKH du lịch tại khu vực Đông Nam Bộ và sử dụng diện tích của các loại SKH được đo trên bản đồ như một tiêu chí đánh giá mức độ thuận lợi cho việc khai thác các loại hình du lịch theo các vùng, tiểu vùng cùng với các tiêu chí khác. Tương tự như vậy, Vũ Đình Chiến cũng đã thành lập bản đồ SKH du lịch và dựa vào đó thực hiện đánh giá cho các vùng, tiểu vùng của tỉnh Bình Định.

Vận dụng hệ thống GIS và phương pháp vẽ bản đồ, bài viết đã tiến hành phân tích dữ liệu, thành lập bản đồ SKH du lịch thành phố Đà Nẵng trên cơ sở hệ thống các tiêu chí và chỉ tiêu phân loại SKH. Kết quả phân loại SKH du lịch là cơ sở thực hiện nghiên cứu, đánh giá tài nguyên khí hậu, giúp các nhà quản lý, hoạt động du lịch có kế hoạch khai thác các loại hình du lịch, thời gian hoạt động phù hợp theo từng khu vực.

1. Phương pháp nghiên cứu

1.1. Cơ sở dữ liệu

- Dữ liệu số: Bài viết đã sử dụng các số liệu về nhiệt độ, lượng mưa, số ngày mưa của thành phố Đà Nẵng từ báo cáo thống kê của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ và 03 trạm khí tượng, thủy văn Đà Nẵng, Sơn Trà, Cẩm Lệ (từ năm 1976 đến năm 2013). Các dữ liệu trên được số hóa và thể hiện trên bản đồ dưới dạng vùng theo các cấp độ khác nhau.

- Dữ liệu bản đồ: bài viết đã sử dụng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:100.000 do Bộ Tài nguyên Môi trường xuất bản năm 2011, tọa độ VN2000, kinh tuyến trục 108, múi chiếu 03 độ để thành lập 03 bản đồ bao gồm: bản đồ nhiệt độ, bản đồ lượng mưa, bản đồ SKH du lịch.

1.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập dữ liệu: bài viết đã thu thập thông tin, dữ liệu, số liệu từ các báo cáo của các sở ban ngành liên quan, số liệu đo đạc từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ và 03 trạm khí tượng, thủy văn tại Đà Nẵng, từ đó số hóa, đưa vào bản đồ để thành lập các bản đồ nhiệt độ và lượng mưa của thành phố Đà Nẵng để phục vụ nghiên cứu.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp: trên cơ sở các dữ liệu thu thập được, bài viết đã tiến hành phân tích, đánh giá mối quan hệ giữa các đặc trưng khí hậu của thành phố Đà Nẵng và các chỉ tiêu SKH đối với sức khỏe con người. Theo đó, 02 yếu tố cơ bản, ảnh hưởng lớn đến khả năng thích ứng của con người và khả năng tổ chức du lịch được sử dụng để tổng hợp, phân tích là nhiệt và ẩm.

- Phương pháp so sánh: bài viết đã so sánh giữa điều kiện lý tưởng và điều kiện thực tế của thành phố Đà Nẵng, phân chia nhiệt độ, lượng mưa, số ngày mưa thành 03 cấp tương ứng với các mức độ cảm nhận của cơ thể con người và mức độ ảnh hưởng đến việc tổ chức du lịch tại thành phố Đà Nẵng.

- Phương pháp phân loại SKH: Việc đánh giá, phân loại SKH du lịch chính là xem xét mối quan hệ giữa điều kiện khí hậu trên địa bàn lãnh thổ với điều kiện sinh lý con người và điều kiện để tổ chức du lịch. Dựa trên đặc điểm khí hậu thành phố Đà Nẵng và các chỉ tiêu đã nghiên cứu, bài viết lựa chọn một số tiêu chí quan trọng đối với du lịch và xác định các chỉ tiêu để phân loại, thành lập hệ thống tiêu chí phân loại bao gồm nhiệt độ, lượng mưa, số ngày mưa trong năm với các ký hiệu khác nhau theo cấp độ, từ đó nhóm các đặc điểm khí hậu thành các loại SKH. Việc phân loại SKH nhằm xác định các đơn vị SKH phân bố trên không gian lãnh thổ.

- Phương pháp bản đồ và GIS: bài viết đã sử dụng phần mềm Arcgis 10.8 để xây dựng các bản đồ thành phần khí hậu của thành phố Đà Nẵng như bản đồ nhiệt độ, bản đồ phân bố lượng mưa… và tiến hành chồng xếp bản đồ để thành lập bản đồ SKH du lịch (tỷ lệ 1:100.000) cho thành phố Đà Nẵng.

Tiến trình nghiên cứu được thực hiện như sau: Đầu tiên, các dữ liệu về nhiệt độ trung bình, lượng mưa của năm sẽ được số hóa và thể hiện trên bản đồ theo dạng vùng với các cấp độ khác nhau. Sau đó, bài viết sử dụng các dữ liệu trên cùng với dữ liệu về số ngày mưa trong năm thành lập hệ thống chỉ tiêu phân loại SKH du lịch. Cuối cùng, bài viết tiến hành tích hợp, chồng xếp bản đồ nhiệt độ trung bình, lượng mưa của năm và số hóa dữ liệu số ngày mưa trong năm để thành lập bản đồ SKH du lịch với các loại SKH như trong hệ thống phân loại. Diện tích của các loại SKH du lịch được đo đạc bằng công cụ đo diện tích trong phần mềm ArcGis 10.8.

1.3. Nguyên tắc xây dựng bản đồ sinh khí hậu du lịch

Trong thành lập bản đồ, cần đảm bảo bản đồ có tính chính xác, khoa học và cập nhật; xác định được mục đích của bản đồ; phân loại và biểu hiện đầy đủ, khoa học các đối tượng và hiện tượng; đảm bảo tính chính xác về vị trí địa lý. Ngoài ra, cần đảm bảo tính khách quan – có thể xem là nguyên tắc quan trọng nhất, đảm bảo tính chính xác, khoa học trong việc lựa chọn các chỉ tiêu, tránh chủ quan và tùy tiện.

2. Kết luận

Ứng dụng GIS đã được ứng dụng trong bài viết với mục đích thành lập bản đồ SKH du lịch thành phố Đà Nẵng bằng phần mềm ArcGis 10.8. Diện tích và sự phân bố các loại SKH chính là một trong các chỉ tiêu quan trọng để đánh giá điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển du lịch tại thành phố. Dựa vào mức độ ảnh hưởng của khí hậu đối với hoạt động du lịch và sức khỏe con người, bài viết đã xây dựng hệ thống các tiêu chí và chỉ tiêu phân loại SKH du lịch. Trên cơ sở các dữ liệu khí hậu và sử dụng phần mềm ArcGis 10.8, bài viết đã thành lập các bản đồ thành phần của khí hậu bao gồm nhiệt độ trung bình năm, lượng mưa trong năm của thành phố Đà Nẵng, thực hiện tích hợp – chồng xếp để thành lập bản đồ SKH du lịch gắn với các điểm tài nguyên du lịch của thành phố. Kết quả cho thấy Đà Nẵng có tổng cộng 30 khoanh vi thuộc 11 loại SKH, trong đó loại SKH IIBa lặp lại 08 lần, loại SKH IIIAa lặp lại 05 lần, các loại khác từ 01 đến 02 lần. Nhìn chung, các loại SKH phân hóa theo lãnh thổ và theo đai cao, thể hiện sự đa dạng của tài nguyên khí hậu thành phố Đà Nẵng. Bản đồ SKH du lịch đã thể hiện trực quan sự phân bố các loại SKH của thành phố Đà Nẵng. Dựa vào sự phân bố này, có thể đánh giá được phần nào mức độ thuận lợi cho việc khai thác các loại hình du lịch theo từng khu vực. Cùng với các tiêu chí khác, bản đồ SKH du lịch có ý nghĩa quan trọng và là cơ sở thực hiện các nghiên cứu, đánh giá tổng hợp tài nguyên phục vụ phát triển các loại hình du lịch của thành phố.

dtnkhanh
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên (tập 229, số 2 - 2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->